Đây là lời cảnh báo của Tổng thống Vladimir Putin trong ngày 27/3 khi ông tới Căn cứ Không quân Torzhok ở Vùng Tver, nơi đặt Trung tâm Huấn luyện số 344 cho phi công chiến đấu của Nga, bao gồm nhân sự đang được huấn luyện để tham gia cuộc xung đột ở Ukraine.
Ông chủ Điện Kremlin nhấn mạnh nếu các máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất được chuyển giao cho Ukraine, Nga sẽ tiêu diệt chúng tương tự các thiết bị khác của phương Tây. “Việc chuyển giao F-16 sẽ không thay đổi tình hình trên chiến trường. Chúng tôi sẽ tiêu diệt những máy bay này giống như chúng tôi đã phá hủy xe tăng, xe bọc thép và các thiết bị khác từ trước đến nay. Tất nhiên, nếu chúng được sử dụng từ sân bay của các nước thứ ba, các máy bay này vẫn sẽ trở thành mục tiêu hợp pháp của chúng tôi, cho dù là ở đâu”, Tổng thống Putin tuyên bố.
Trước đó, một số thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cam kết cung cấp máy bay F-16 cho Kiev và huấn luyện cho các phi công nước này điều khiển chúng. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có lô máy bay nào được chuyển giao.
Nga đã nhiều lần cảnh báo phương Tây việc triển khai các máy bay chiến đấu có khả năng mang theo vũ khí hạt nhân sẽ là hành động leo thang không thể chấp nhận được trong cuộc xung đột Ukraine. Nhà lãnh đạo Nga lưu ý Moskva biết rất rõ loại máy bay chiến đấu có từ những năm 1970 này có khả năng mang vũ khí hạt nhân.
Ban đầu, F-16 được sản xuất bởi General Dynamics và sau đó tập đoàn quốc phòng Lockheed Martin mua lại. Để vận hành máy bay nay đòi hỏi cần các đường băng mới và trong tình trạng tốt vốn đang bị thiếu hụt ở Ukraine. Điều này làm dấy lên suy đoán các máy bay F-16 do Ukraine điều khiển có thể được đồn trú ở các nước NATO lân cận.
Trong hai năm qua, Kiev đã mất phần lớn lực lượng không quân, bao gồm cả các máy bay chiến đấu thời Liên Xô. Từ lâu, Kiev đã lập luận rằng họ cần máy bay chiến đấu để đạt được tiến bộ quân sự đáng kể trước quân đội Nga và thúc giục các đồng minh giao F-16 như cam kết càng sớm càng tốt.
Đan Mạch, Hà Lan, Na Uy và Bỉ đã cam kết gửi khoảng 45 máy bay tới Ukraine, đủ cho 3 phi đội nhỏ. Đan Mạch sẽ gửi 6 chiếc máy bay đầu tiên vào cuối mùa xuân này, và thêm 13 chiếc nữa đến vào cuối năm nay và năm 2025. Tháng 7/2023, một liên minh gồm các quốc gia do Mỹ, Đan Mạch và Hà Lan dẫn đầu đã được thành lập để giúp đào tạo phi công Ukraine
Theo trang web của Không quân Mỹ, F-16 Fighting Falcon là mẫu máy bay chiến đấu nhỏ gọn, đa chức năng được sử dụng trong các trận chiến không đối không và không đối đất.
Chiến đấu cơ dài gần 15m này có thể mang theo hai quả bom nặng 900 kg, hai tên lửa không đối không AIM-9 Sidewinder, hai tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến AIM-120 và hai thùng nhiên liệu bên ngoài nặng 1.100 kg. Ngoài ra, F-16 còn được trang bị thêm một khẩu pháo đa nòng M-61A1 20mm.