Trả lời phỏng vấn đài ABC News hôm 25/2, ông Sullivan không đồng tình với quan điểm cho rằng Nhà Trắng không cung cấp đủ thiết bị chiến đấu cho Ukraine để họ đạt được thành công trên tiền tuyến.
“Ý kiến cho rằng chúng tôi không huy động lượng lớn nguồn lực và khả năng để cung cấp cho Ukraine đơn giản là không chính xác”, ông Sullivan tuyên bố khi được hỏi liệu hạn chế trong việc cung cấp vũ khí tiên tiến của Washington có phải là nguyên nhân khiến Ukraine thiếu bước tiến trên chiến trường hay không.
Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng lập luận rằng nếu nhìn vào tổng số viện trợ mà Mỹ đã cung cấp cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga, đó là lượng vật chất đang kinh ngạc được chuyển giao với tốc độ, quy mô vượt xa kỳ vọng của Kiev.
Ông nói thêm rằng Mỹ vẫn có khả năng bổ sung cho Ukraine những vũ khí mà Kiev đang tìm kiếm, F-16 là một trong số đó. Đồng thời ông giải thích rằng dù Mỹ sẵn sàng cung cấp máy bay phản lực, nhưng thách thức thực sự mà Ukraine phải đối mặt là không có nhiều phi công có khả năng lái những chiếc máy bay đó.
Theo trang thông tin quốc phòng A&SF, Lực lượng Vệ binh Quốc gia Mỹ ước tính lứa phi công Ukraine đầu tiên sẽ tốt nghiệp khóa huấn luyện máy bay chiến đấu F-16 vào tháng 5 năm nay.
Trả lời phóng viên tại một hội nghị chuyên đề của Hiệp hội Lực lượng Không quân và Vũ trụ ngày 20/2, Giám đốc Lực lượng Phòng không Quốc gia, Trung tướng Michael Loh, tiết lộ 4 phi công Ukraine đã gần kết thúc khoá huấn luyện.
Trong khi đó, theo phát ngôn viên của Lực lượng Vệ binh Quốc gia bang Arizona - Đại úy Erin Hannigan, Mỹ đang đào tạo 12 phi công Ukraine trong năm tài chính 2024. Số phi công này đều chuẩn bị tốt nghiệp trong tháng 5 và tháng 8 tới.
Tuy nhiên, những gì các phi công làm sau đó phụ thuộc vào thời điểm các máy bay này thực sự đến Ukraine.
Vào tháng 9/2023, Tướng Loh cho biết sẽ mất từ 3 tháng đến 9 tháng để các phi công Ukraine hoàn thành khóa huấn luyện F-16.
Theo vị chỉ huy này, các phi công đều mỗi ngày tự mình lái những chiếc F-16. Tuy nhiên, những yêu cầu đối với những phi công đã thay đổi và quá trình huấn luyện mất nhiều thời gian hơn một chút vì các phi công cần có khả năng thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ ngoài các tình huống thời chiến.
Washington cũng cảnh báo rằng họ sẽ không thể tiếp tục nỗ lực này và đào tạo thêm nhiều phi công ngoài lứa đầu tiên nếu Quốc hội Mỹ không cấp thêm kinh phí.
Kiev đã nhiều lần yêu cầu phương Tây chuyển giao các máy bay chiến đấu hiện đại cho nước này, vì cho rằng chúng cần thiết để đẩy lùi các cuộc không kích của Nga.
Hồi tháng 8, Mỹ đã cho phép Đan Mạch và Hà Lan tặng F-16 cho Ukraine với đợt chuyển giao đầu tiên dự kiến trong năm nay. Các nước thành viên NATO cũng đồng ý thành lập liên minh để giúp huấn luyện binh sĩ Ukraine lái máy bay do phương Tây sản xuất.
Về phần mình, Moskva cảnh báo rằng động thái này sẽ là “bước leo thang nguy hiểm” vì một số phiên bản F-16 có thể mang bom hạt nhân và tuyên bố sẽ phá hủy các máy bay này ở Ukraine nếu chúng đến Ukraine.