Dẫn lời các quan chức Đan Mạch, tờ New York Times ngày 11/3 đưa tin tính đến thời điểm hiện tại, chỉ có 12 phi công Ukraine– chưa đủ quân số của một phi đội - sẵn sàng lái chiến đấu cơ F-16 vào mùa hè này sau 10 tháng huấn luyện ở Đan Mạch, Vương quốc Anh và Mỹ.
Vào thời điểm các phi công quay trở lại Ukraine, chỉ có 6 chiếc F-16 trong tổng số 45 chiến đấu cơ mà các đồng minh châu Âu đã hứa dự kiến sẽ được bàn giao.
Tờ NYT lưu ý các phi công Ukraine hiện đang chờ máy bay chiến đấu và người hướng dẫn tại một trung tâm huấn luyện mới ở căn cứ không quân Fătestia miền Nam Romania. Vẫn chưa rõ khi nào các phi công Ukraine sẽ bắt đầu được đào tạo tại trung tâm huấn luyện mới.
Ngoài ra, một số quan chức lo ngại vẫn còn nhiều điều không chắc chắn về thời điểm và số lượng F-16 mỗi quốc gia sẽ gửi cho Ukraine.
Theo tờ báo Mỹ, quá trình đào tạo phi công Ukraine lái F-16 diễn ra với lượng thời gian đào tạo rút ngắn từ nhiều năm thành vài tháng. Tuy nhiên, quá trình này đang diễn ra chậm hơn so với những gì Ukraine và các đồng minh mong đợi vì các phi công phải học ngôn ngữ và các bài tập quân sự của Anh và phương Tây để sử dụng F-16 một cách hiệu quả. Theo các quan chức Đan Mạch, phi công Ukraine chỉ sẵn sàng bay vào tháng 1/2024.
Đan Mạch, Hà Lan, Na Uy và Bỉ trước đó đã cam kết gửi khoảng 45 máy bay tới Ukraine, đủ cho 3 phi đội nhỏ. Đan Mạch sẽ gửi 6 chiếc máy bay đầu tiên vào cuối mùa xuân này, và thêm 13 chiếc nữa đến vào cuối năm nay và năm 2025.
Trong khi đó, các quốc gia khác vẫn chưa ấn định ngày giao F-16 cho Kiev. Hứa hẹn cung cấp 24 máy bay chiến đấu F-16, Bộ Quốc phòng Hà Lan thông báo họ sẽ chuyểncho Kiev khi Ukraine sẵn sàng tiếp nhận.
Ngoài phi công lái trực tiếp, khoảng 50 kỹ thuật viên Ukraine đang được đào tạo tại Đan Mạch để bảo trì và sửa chữa máy bay cũng như làm việc với các hệ thống vũ khí. Một chiếc F-16 phức tạp thường cần từ 8 đến 14 người để bảo trì.
Các quan chức nói rằng các nhà thầu quốc phòng phương Tây sẽ phải theo sát các máy bay tới Ukraine và ở lại cho đến khi phi hành đoàn Ukraine đủ khả năng bảo trì chúng đúng cách. Thực tế quá trình này có thể mất tới nhiều năm.
Bên cạnh đó, nhu cầu nâng cấp và sửa chữa đường băng quân sự lỗi thời và bị hư hại do cuộc chiến ở Ukraine cũng có thể trì hoãn việc F-16 tham chiến.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Business Insider hồi tháng 2, một viên phi công Ukraine với biệt danh "Moonfish" tham gia khoá huấn luyện cho biết mặc dù những chiếc F-16 dễ bay hơn nhiều so với các loại máy bay Ukraine sở hữu nhưng việc thích ứng với các hệ thống điện tử tiên tiến trên máy bay là một thách thức.
Tháng 7/2023, một liên minh gồm các quốc gia do Mỹ, Đan Mạch và Hà Lan dẫn đầu đã được thành lập để giúp đào tạo phi công Ukraine và chuyển giao chiến đấu cơ F-16 cho nước này. Đan Mạch là một trong những quốc gia cùng với Mỹ, Anh, Pháp và Romania đào tạo phi công Ukraine.
Từ lâu, Kiev đã lập luận rằng họ cần máy bay chiến đấu để đạt được tiến bộ quân sự đáng kể trước quân đội Nga và thúc giục các đồng minh giao F-16 như cam kết càng sớm càng tốt.
Về phần mình, Điện Kremlin liên tục cảnh báo các nước phương Tây không nên tiếp tục cung cấp vũ khí cho Kiev, cho rằng điều đó sẽ khiến xung đột leo thang hơn nữa. Vào tháng 4/2022, Nga đã gửi công hàm ngoại giao tới tất cả các nước NATO về vấn đề cung cấp vũ khí cho Ukraine. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cảnh báo bất kỳ vũ khí nào chuyển giao cho Ukraine đều sẽ trở thành mục tiêu hợp pháp cho các cuộc tấn công của Nga.
Theo trang web của Không quân Mỹ, F-16 Fighting Falcon là mẫu máy bay chiến đấu nhỏ gọn, đa chức năng được sử dụng trong các trận chiến không đối không và không đối đất.
Máy bay dài gần 15m này có thể mang theo hai quả bom nặng 900 kg, hai tên lửa không đối không AIM-9 Sidewinder, hai tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến AIM-120 và hai thùng nhiên liệu bên ngoài nặng 1.100 kg. Ngoài ra, chiến đấu cơ này còn được trang bị thêm một khẩu pháo đa nòng M-61A1 20mm.