Ukraine đang chuẩn bị tiếp nhận các máy bay chiến đấu đa năng F-16 Fighting Falcon trong những tháng tới, nhưng đưa những máy bay chiến đấu hiện đại này vào vận hành ở Ukraine sẽ đòi hỏi nhiều công việc hơn là chỉ đào tạo phi công.
Ít nhất 60 chiếc F-16 sẽ được Na Uy, Đan Mạch, Hà Lan và Bỉ cung cấp cho Kiev, trong khi một liên minh đa quốc gia đang đào tạo phi công và phi hành đoàn cho Ukraine. Tuy nhiên, việc để máy bay chiến đấu trên hoạt động được sẽ vô cùng khó khăn. Các căn cứ không quân chứa những máy bay này sẽ là mục tiêu tấn công hàng đầu của Nga, trong khí chính chúng cũng sẽ bị hệ thống phòng không Nga theo dõi. Bên cạnh đó, việc sửa chữa, bảo dưỡng hàng loạt máy bay chiến đấu phương Tây sẽ là một thách thức và thậm chí việc sử dụng đường băng không được chuẩn bị trước cũng có thể ảnh hưởng lớn đến máy bay.
Tom Richter, cựu phi công thuộc lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ, người từng lái F-16 khi còn phục vụ, cho biết chiếc máy bay này là “một con thú nhạy cảm” so với các máy bay MiG và Sukhoi thời Liên Xô mà Ukraine quen bay và bảo trì.
“Nếu từng sờ vào một chiếc MiG-29 tại một triển lãm hàng không rồi sau đó đặt tay lên một chiếc F-16, có thể cảm nhận được ngay từ bên ngoài rằng chiếc F-16 khác biệt như thế nào. Nó là một chiếc máy bay rất nhạy cảm và cần được bảo trì nhiều. Các máy bay thời Liên Xô có thể bay từ các sân bay được bảo trì kém và cần ít bảo dưỡng hơn", ông Richter nói.
Trong một tình huống khác, Ukraine sẽ xây dựng các căn cứ và đường băng hiện đại để đảm bảo hoạt động cho các máy bay F-16, nhưng điều đó là không thể trong bối cảnh xung đột đang diễn ra. "Những chiếc Falcon thực sự cần một số đảm bảo - như là chuẩn bị cho đường băng”, ông Yury Ihnat, người phát ngôn của lực lượng không quân Ukraine, thừa nhận với Politico.
Justin Bronk thuộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh (RUSI) có trụ sở tại Anh lưu ý, trong khi các phi công và phi hành đoàn Ukraine đang được đào tạo để bay và bảo trì máy bay F-16, gần như chắc chắn rằng các chuyên gia phương Tây cũng sẽ cần phải có mặt ở nước này để giám sát công việc.
Binh sĩ Ukraine cần học cách sửa chữa, bảo trì và "tàng hình" F-16 trước hệ thống radar, trinh sát và vệ tinh của Nga. “Các kỹ thuật viên và kỹ sư hàng không của chúng tôi hiện cũng đang được đào tạo ở phương Tây cùng với các phi công của chúng tôi", ông Ihnat tiết lộ.
Theo báo cáo Cán cân Quân sự hàng năm của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, vào đầu năm 2022, Ukraine có 71 máy bay chiến đấu Su-27 và MiG-29, 14 máy bay ném bom Su-24M và 31 máy bay tấn công Su-25. Báo cáo năm 2024 cho biết Ukraine có 78 máy bay có khả năng chiến đấu. Vào năm thứ ba của cuộc xung đột, Nga có 1.169 máy bay chiến đấu.
Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, Slovakia và Ba Lan cũng đã chuyển khoảng 33 máy bay chiến đấu MiG-29 cho Ukraine - nhiều máy bay được trang bị hệ thống điện tử và vũ khí nâng cấp để đạt tiêu chuẩn của NATO.
Những chiếc F-16, đã phục vụ trong lực lượng không quân phương Tây trong 45 năm, sẽ vừa tăng cường số lượng lớn cho lực lượng không quân Ukraine vừa mang lại cho lực lượng này khả năng mạnh mẽ hơn nhiều trong cuộc xung đột với Nga.
“F-16 sẽ cải thiện đáng kể hiệu quả hoạt động trên không của chúng tôi. Phi công sẽ có thể điều khiển tên lửa từ trên không, xác định mục tiêu. Họ có thể nhận được thông tin tình báo trong môi trường chiến đấu và đưa ra quyết định phù hợp về việc tấn công mục tiêu. Ngoài ra, các phi công có thể sử dụng tên lửa không đối không với tầm bắn lên tới 180 km”, ông Ihnat nói.
Bộ Quốc phòng Đan Mạch cho biết những chiếc máy bay F-16 đầu tiên sẽ xuất hiện ở Ukraine vào mùa hè này, nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Troels Lund Poulsen thừa nhận thật khó để thiết lập một thời gian biểu cố định cho việc chuyển máy bay chiến đấu F-16, bởi vì có một số điều kiện phải được đáp ứng để Ukraine sử dụng những chiếc máy bay đó.