Tổng thống Putin cảnh báo về trường hợp mở rộng chiến dịch quân sự ở Ukraine

Nếu phương Tây quyết định cung cấp cho Ukraine vũ khí hiện đại tầm xa hơn, Nga sẽ phải đẩy lùi mối đe dọa này ra xa biên giới nước này hơn nữa.

Chú thích ảnh
Tổng thống Nga Vladimir Putin đọc Thông điệp liên bang trước hai viện Quốc hội tại Moskva ngày 21/2/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo đài RT, cảnh báo trên do Tổng thống Vladimir Putin đưa ra trong Thông điệp Liên bang ngày 21/2.

Cụ thể, ông Putin nói: “Phương Tây đang sử dụng Ukraine làm công cụ tấn công chống Nga và làm nơi huấn luyện. Có một điều cần phải nói rõ ràng với tất cả mọi người. Tầm bắn của các hệ thống vũ khí mà phương Tây gửi tới Ukraine càng xa, thì chúng ta càng buộc phải đẩy mối đe dọa đó ra xa hơn khỏi biên giới. Đó là điều hiển nhiên”.

Nga đã điều quân đến Ukraine vào ngày 24/2/2022 với lý do cần phải bảo vệ người dân Donbass và do Ukraine không thực hiện thỏa thuận Minsk năm 2014 - 2015.

Từ đó, nhiều nước phương Tây đã cung cấp cho Ukraine vũ khí hạng nặng, trong đó có cả bệ phóng tên lửa HIMARS và pháo M777 do Mỹ sản xuất. Mới đây, ngày 19/2, Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho biết Anh sẽ là nước đầu tiên cung cấp cho Ukraine vũ khí tầm xa. Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng cam kết sẽ gửi thêm vũ khí, gồm cả tên lửa HIMARS bổ sung.

Tổng thống Putin đọc Thông điệp Liên bang khi chỉ còn vài ngày là chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine tròn một năm.

Đây là thông điệp đầu tiên của Tổng thống Putin sau khi nước này tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine và là Thông điệp Liên bang thứ 18 của ông trước Quốc hội.

Thông điệp Liên bang rất được dư luận trong nước và quốc tế quan tâm này của Tổng thống Nga kéo dài 1giờ 45 phút, đã đề cập đến nhiều vấn đề đối nội và đối ngoại quan trọng. Đây cũng là bức thông điệp đầy khúc triết, khẳng định nhu cầu độc lập, tự do phát triển của nước Nga và bày tỏ quan điểm của Điện Kremlin đối với các chính sách của phương Tây.

Trong bài phát biểu, Tổng thống Putin khẳng định nền kinh tế quốc gia vẫn đứng vững trước những biện pháp trừng phạt của các nước phương Tây. Cụ thể, nhà lãnh đạo Nga nêu rõ các nước phương Tây đã áp dụng các biện pháp trừng phạt gây tổn hại cho người dân nước này nhưng không đạt được mục đích "đánh bại Nga trên mặt trận kinh tế".

Tổng thống Putin nói những tính toán của phương Tây đã không thành hiện thực. Nền kinh tế Nga và hệ thống quản trị cho thấy sức mạnh lớn hơn. Ông khẳng định trước Quốc hội rằng nước này có mọi nguồn lực tài chính cần thiết để đảm bảo an ninh và phát triển quốc gia bất chấp những biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây.

Về cuộc xung đột tại Ukraine, Tổng thống Putin khẳng định Nga đã nỗ lực bằng mọi cách để giải quyết khủng hoảng Ukraine bằng các biện pháp hòa bình. Ông nhấn mạnh Nga đã làm mọi cách có thể để giải quyết vấn đề ở Ukraine bằng các biện pháp hòa bình. Với sự kiên nhẫn, Nga đang thương lượng một cách hòa bình để thoát khỏi xung đột khó khăn hiện nay nhưng một kịch bản hoàn toàn khác đang được chuẩn bị sẵn sàng để đối phó. Theo đó, Nga sẽ quyết định từng bước các nhiệm vụ của chiến dịch quân sự đặc biệt.

Tổng thống Putin cho rằng trong thế giới đương đại, không nên có sự phân chia các quốc gia văn minh và tất cả các quốc gia còn lại. Nga sẵn sàng đối thoại với phương Tây nhưng lại nhận về phản ứng không rõ ràng. Theo nhà lãnh đạo Nga, các nước phương Tây đã chi hơn 150 tỷ USD để hỗ trợ Kiev trong khi các quốc gia nghèo nhất năm 2022 được phân bổ 60 tỷ USD.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Nước Nga một năm sau xung đột ở Ukraine: Trụ vững cùng khó khăn
Nước Nga một năm sau xung đột ở Ukraine: Trụ vững cùng khó khăn

Một năm sau ngày Nga đưa quân vào Ukraine, trong khi Liên minh châu Âu (EU) thừa nhận sắp cạn biện pháp trừng phạt Moskva, người đứng đầu Điện Kremlin phấn khởi tuyên bố những con số lạc quan về kinh tế, nhưng điều đó không có nghĩa Nga đã thoát khỏi khó khăn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN