Tổng thống Putin càng cứng rắn, uy tín càng cao

Truyền thông Nga ngày 14/8 dẫn nguồn tin từ Trung tâm nghiên cứu dư luận xã hội toàn Nga (VTSIOM) cho biết theo kết quả thăm dò dư luận gần đây, 63% người dân Nga ủng hộ hành động của Tổng thống Vladimir Putin trong cuộc khủng hoảng Ukraine.

Kết quả thăm dò cũng cho thấy người dân ở hai thành phố lớn là Moskva và Saint-Peterburg ủng hộ chủ trương này thấp nhất, khi có tới 10% người được hỏi cho rằng chính sách của ông Putin chỉ làm cho tình hình Ukraine thêm xấu đi.

Còn theo số liệu thăm dò của Trung tâm Levada, hiện có đến 82% cử tri Nga sẵn sàng bỏ phiếu cho ông Putin. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng chỉ số này không thể được duy trì cho đến hết mùa Thu năm nay.

Trong khi đó, dư luận Nga cũng có những phản ứng trái chiều liên quan việc nước này gửi hàng viện trợ nhân đạo cho người dân Ukraine trong vùng chiến sự.

Tổng thống Vladimir Putin. Ảnh: AFP-TTXVN


Những người ủng hộ chính quyền cho rằng Nga không thể nhắm mắt làm ngơ trong lúc người dân Ukraine đang lâm vào khủng hoảng nhân đạo. Ngược lại, lực lượng đối lập lo ngại Nga sử dụng chiêu bài viện trợ nhân đạo để đưa quân đội vào Ukraine.

Tuy nhiên, có một thực tế là kết quả thăm dò dư luận của cả hai trung tâm nghiên cứu đều cho thấy hơn 50% người dân Nga đánh giá tích cực đóng góp cá nhân của ông Putin vào cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Trong đó, 36% người được hỏi cho rằng thành công lớn nhất của ông Putin là không cho phép quân đội NATO tiến vào Ukraine, 33% nhấn mạnh việc bảo vệ người dân nói tiếng Nga ở miền Đông Ukraine và 30% hài lòng với việc bảo vệ các lợi ích kinh tế của Nga ở Ukraine.

Dư luận Nga cho rằng 6 tháng đầu năm 2014 đã mang lại những điều kiện hết sức thuận lợi để ông Putin nâng cao uy tín. Ông chủ điện Kremlin đã làm tròn vai diễn trong việc tổ chức Thế vận hội mùa Đông ở Sochi bất chấp sự tẩy chay của các nước phương Tây và sau đó đi một bước lịch sử trong việc sáp nhập Crimea, làm khơi dậy tinh thần yêu nước lớn chưa từng có kể từ khi Liên Xô sụp đổ.

Tại thời điểm tiến hành thăm dò dư luận, 52% người dân Nga nói chung và 82% cử tri đã xác định chắc chắn ủng hộ việc ông Putin tiếp tục tái đắc cử Tổng thống một nhiệm kỳ nữa.

 

Điều đáng chú ý là uy tín cá nhân của ông Putin tăng trong bối cảnh sự ủng hộ đối với đảng cầm quyền “Nước Nga Thống nhất” lại có phần suy giảm khi đảng này hiện chỉ nhận được 36% ủng hộ.

Bình luận về vấn đề này, Rostislav Turovski - Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu công nghệ chính trị - nhấn mạnh uy tín của ông Putin đang đạt mức đỉnh và khó có khả năng tiếp tục tăng. Việc đạt được mức uy tín tuyệt đối 100% là không thể vì gần 150 triệu dân Nga không phải ai cũng yêu mến Putin.

Vấn đề là liệu ông Putin giữ được mức ủng hộ cao này trong bao lâu và bộ máy tuyên truyền hiện nay làm việc hiệu quả như thế nào. Chuyên gia này cho rằng bằng việc tổ chức thành công Thế vận hội mùa Đông và sáp nhập Crimea, ông Putin đã chiếm được cảm tình của những người trước đây vốn còn do dự trong việc ủng hộ ông.

Thông thường chỉ số uy tín của ông Putin sẽ thay đổi dần dần trong vòng 1 năm nếu không có những nhân tố bất khả kháng đánh vào uy tín của điện Kremlin hoặc các lực lượng đối lập thành công trong việc làm thay đổi nhận thức xã hội về vấn đề này.

Nhà nghiên cứu chính trị Nikolai Petrov nhấn mạnh những sự kiện xảy ra gần đây có lợi cho uy tín của ông Putin. Tuy nhiên, chỉ số này chắc chắn sẽ thay đổi bởi hai yếu tố.

 

Thứ nhất, cuộc khủng hoảng ở Ukraine sớm muộn cũng sẽ đi đến hồi kết. Thứ hai, các biện pháp trả đũa vừa qua hiện được dư luận xã hội ghi nhận như một sự cứng rắn của bàn tay thép Putin. Tuy nhiên, đến cuối mùa Thu năm nay khi túi tiền của từng người dân Nga bị ảnh hưởng thì họ sẽ phải có cái nhìn khác. Sự đi xuống của ông Putin cũng sẽ kéo theo uy tín của toàn hệ thống chính trị.

Hiện đã xuất hiện những nạn nhân đầu tiên của lệnh trừng phạt và trả đũa, trước hết là nhóm dễ bị ảnh hưởng như những người về hưu và lao động phổ thông. Việc khan hiếm thực phẩm và tình trạng tăng giá sẽ làm cho hầu bao hoặc nồi cơm của những người này vơi đi trông thấy.

 


TTK


‘Xoay trục’ tới châu Á: Putin đã vượt qua Obama?
‘Xoay trục’ tới châu Á: Putin đã vượt qua Obama?

Thế giới đã chứng kiến sự xoay trục sang châu Á, nhưng không phải Mỹ mà là Nga với chính sách “hướng Đông” của mình. Thỏa thuận năng lượng mới giữa Moskva và Bắc Kinh cho thấy 2 đối thủ “đáng gờm” nhất của Mỹ đã bắt tay nhau. Nó đánh dấu một thay đổi quan trọng trong cán cân quyền lực thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN