Tổng thống Pháp sử dụng mối quan hệ ‘độc nhất’ để 'xoay chuyển' Tổng thống Trump

Ngày 24/2, Thủ tướng Pháp Macron sẽ đến Nhà Trắng vào đúng ngày kỷ niệm 3 năm thời điểm cuộc chiến Nga – Ukraine bắt đầu. Ông dự kiến ​​sẽ hối thúc thúc Tổng thống Mỹ Trump cân nhắc đến sự an toàn của các đồng minh khi có nhiều động thái đáng ngại thời gian gần đây.

Chú thích ảnh
Nội dung bài viết Tổng thống Pháp Macron đăng tải trên mạng xã hội X. Ảnh chụp màn hình.

Tổng thống Emmanuel Macron được nhận định sẽ sử dụng mối quan hệ "độc nhất" của mình với người đồng cấp Mỹ Donald Trump nhằm thuyết phục ông chủ Nhà Trắng “đưa người châu Âu” vào bất kỳ giải pháp nào cho cuộc chiến tranh tại Ukraine, các quan chức Pháp cho biết trước chuyến đi của ông tới Washington.

Trong bài đăng trên mạng xã hội X vào ngày 23/2, ngay trước chuyến bay tới Washington, Tổng thống Macron cho biết rằng các nhà lãnh đạo châu Âu "cam kết đảm bảo hòa bình sẽ trở lại Ukraine theo cách công bằng, vững chắc và lâu dài, và an ninh của người dân châu Âu sẽ được tăng cường thông qua tất cả các cuộc đàm phán sắp tới".

Tổng thống Pháp cũng tiết lộ rằng gần đây ông đã trao đổi với Thủ tướng Anh Starmer, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Thủ tướng Hungary Viktor Orban và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nhằm giúp thống nhất cách nhìn nhận, giải quyết vấn đề chung.

Các quan chức Pháp nói với hãng tin AFP rằng khi bước vào cuộc gặp với ông Trump, Tổng thông Macron có lợi thế hơn các nhà lãnh đạo khác ở chỗ "ông đã hình thành được mối quan hệ độc nhất" với vị tổng thống Mỹ.

Thời gian gần đây, Tổng thống Mỹ Trump đã gây chấn động toàn châu Âu khi tuyên bố sẵn sàng nối lại mối quan hệ ngoại giao với Tổng thống Nga Putin và chấm dứt cuộc chiến tranh Nga-Ukraine mà không cần sự tham gia của các quốc gia châu Âu và Ukraine. Bên cạnh đó, theo đánh giá của châu Âu và Ukraine, ông Trump dường như đã lặp lại những quan điểm của Nga khi coi Kiev là lý do và tác nhân khiến cuộc chiến nổ ra.

Tuần trước, Tổng thống Pháp Macron cũng đã cố gắng phối hợp nhằm thống nhất một phản ứng chung với nhiều bên trước sự thay đổi chính sách gây sốc của Washington. Ông đã tổ chức 2 cuộc họp gần như liên tiếp nhau chỉ trong vòng 1 tuần với nhiều lãnh đạo chủ chốt của châu Âu và NATO cũng như tuyên bố xem Nga là "mối đe dọa hiện hữu đối với người châu Âu".

Thái độ đúng đắn sẽ giải quyết tốt vấn đề

Bà Celia Belin, chuyên gia về Mỹ tại tổ chức tư vấn Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Châu Âu (ECFR), cho biết: "Ông Macron có đủ kinh nghiệm để có thái độ đúng đắn". Tuy nhiên, bà cảnh báo rằng “không có gì đảm bảo rằng nó sẽ hiệu quả”.

Tổng thống Pháp Macron và Tổng thống Mỹ Trump đều bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của mình vào năm 2017 và bắt đầu một mối quan hệ được đánh giá là “ít trắc trở” và có sự phối hợp lẫn nhau trong giải quyết nhiều vấn đề của khu vực và toàn cầu. Tuy vậy, mối quan hệ này cũng không phải là luôn suôn sẻ và Tổng thống Pháp có thể hoàn toàn thuyết phục được Tổng thống Trump trong tất cả mọi vấn đề. Điển hình là, ông Macron không thể “níu kéo” ông Trump ở lại thỏa thuận khí hậu Paris và thỏa thuận quốc tế với Iran nhằm hạn chế chương trình hạt nhân của nước này.

Tuy nhiên, bất chấp những lời chỉ trích thỉnh thoảng nhắm vào tổng thống Pháp, vào tháng 12/2024, ông Trump khi đang là Tổng thống đắc cử Mỹ vẫn dành thời gian tham dự lễ mở cửa trở lại Nhà thờ Đức Bà và hai nhà lãnh đạo Pháp, Mỹ vẫn duy trì các cuộc điện đàm thường xuyên kể từ thời điểm đó.

Bà Belin cho biết Tổng thống Macron đã nhiều lần dành cho ông Trump sự khác biệt lớn so với các nhà lãnh đạo khác và đã "tiếp đón ông ấy một cách nồng nhiệt, tôn vinh ông ấy".

Mặc dù ông Macron đã phần nào giảm sút ảnh hưởng trong nước kể từ khi giải tán quốc hội và kêu gọi bầu cử vào năm 2024 nhưng "ông ấy vẫn có một sức ảnh hưởng nhất định trên trường quốc tế", ông Paul Taylor, thành viên cấp cao tại nhóm nghiên cứu Trung tâm Chính sách châu Âu, cho biết.

Tổng thống Macron cũng được hầu hết các nhà lãnh đạo châu Âu tín nhiệm khi bắt đầu chuyến công du tới Washington, bất chấp những bất đồng sâu sắc trong EU về vấn đề gửi lực lượng gìn giữ hòa bình tới Ukraine nhằm đảm bảo một thỏa thuận hợp lý trong tương lai.

Tại cuộc hội đàm tới đây với Tổng thống Trump, ông Macron được kỳ vọng sẽ tạo được nhiều điểm nhấn khi thông báo rằng châu Âu sẽ đạt được những nỗ lực lớn hơn trong tự đảm bảo quốc phòng. Đồng thời, ông cũng sẽ thúc giục ông Trump có chính sách tiếp tục hỗ trợ Ukraine, "cung cấp hỗ trợ quân sự cần thiết và tôn trọng chủ quyền của nước này".

Các nhà phân tích cho biết vẫn còn phải chờ xem những thông điệp trên có được vị tổng thống Pháp truyền tải một cách hoàn hảo tới ông Trump hay không. Trước đó, Tổng thống Trump đã không đề cập đến việc toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine như một phần trong nỗ lực chấm dứt xung đột, và tuyên bố thẳng thừng rằng Pháp và Anh "chưa làm gì" để chấm dứt chiến tranh.

Tuy nhiên, bất kể kết quả ra sao nhưng giọng điệu của các cuộc thảo luận tại Washington được đánh giá là sẽ khá mạnh mẽ và "hoàn toàn không có sự kiểm duyệt", một nguồn tin thân cận với tổng thống Pháp cho biết.

Bình Thanh/Báo Tin tức (Theo Kyiv Post)
Tổng thống Ukraine đặt điều kiện nếu phải từ chức
Tổng thống Ukraine đặt điều kiện nếu phải từ chức

Ngày 23/2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết ông sẵn sàng từ chức nếu điều đó mang lại hòa bình cho đất nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN