Tổng thống Pháp tiết lộ nội dung cuộc điện đàm với Thái tử Saudi Arabia

Cuộc điện đàm giữa Tổng thống Pháp và Thái tử Saudi Arabia diễn ra ngay trước cuộc gặp giữa phái đoàn Mỹ và Nga dự kiến tổ chức tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia vào ngày 18/2.

Chú thích ảnh
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tiết lộ ông đã có cuộc điện đàm với Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman để thảo luận về cuộc xung đột tại Ukraine cũng như vai trò của Liên minh châu Âu (EU) trong việc chấm dứt giao tranh.

Trong một bài đăng trên nền tảng X, ông Macron cho biết cuộc trao đổi với Thái tử Mohammed bin Salman đã đề cập đến nhiều vấn đề khu vực, bao gồm tình hình tại Gaza, Liban và Syria.

Về Ukraine, Tổng thống Pháp nhấn mạnh ông đã thảo luận về vai trò mà Saudi Arabia có thể đóng góp nhằm thúc đẩy một nền hòa bình vững chắc và lâu dài, với sự tham gia trung tâm của châu Âu.

Tuy nhiên, Đặc phái viên Mỹ Keith Kellogg trước đó cho rằng các quốc gia châu Âu có thể không được mời tham gia đàm phán về Ukraine, với lý do Washington không muốn mở rộng thành một cuộc thảo luận quy mô lớn.

Tuần trước, sau khi Mỹ và Nga thông báo kế hoạch tổ chức đàm phán song phương, ông Macron đã kêu gọi một hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp của các nhà lãnh đạo EU tổ chức vào ngày 17/2 nhằm tìm cách đối phó với sự thay đổi trong cách tiếp cận của Washington đối với cuộc xung đột.

Nhà lãnh đạo Pháp hy vọng có thể phối hợp một lập trường chung của EU về vấn đề Ukraine và đảm bảo khối này không bị gạt ra ngoài lề trong các cuộc thảo luận hòa bình.

Nhiều lãnh đạo EU đã cam kết tham gia hội nghị thượng đỉnh, bao gồm Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Mark Rutte, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen.

Trong khi đó, ông Kellogg đã biện minh cho quyết định không mời các nước Tây Âu tham gia cuộc đàm phán tại Riyadh bằng cách nhắc lại thất bại của Thỏa thuận Minsk năm 2015, vốn được ký kết giữa Ukraine và các nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk tự xưng.

Đức và Pháp được kỳ vọng là những bên bảo đảm cho thỏa thuận này, nhưng sau đó họ thừa nhận rằng mục tiêu thực sự chỉ là để giúp Kiev có thêm thời gian củng cố quân đội. "Chúng tôi sẽ không đi theo con đường đó nữa", ông Kellogg nhấn mạnh.

Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn giữ quan điểm lạc quan rằng cuộc xung đột Ukraine có thể sớm được giải quyết. Sau cuộc điện đàm với cả Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky, ông Trump cho biết cả Moskva và Kiev đều mong muốn chấm dứt chiến sự.

Theo hãng tin Bloomberg, đội ngũ của ông Trump đang hy vọng đạt được một thỏa thuận ngừng bắn tại Ukraine vào dịp lễ Phục sinh, ngày 20/4 tới. Ông Kellogg cũng tiết lộ rằng một kế hoạch hòa bình chi tiết của Mỹ có thể sẽ được công bố trong những ngày hoặc tuần tới.

Việt Dũng/Báo Tin tức (Theo RT/Bloomberg)
Mỹ sẽ đàm phán song phương với Nga và Ukraine trước khi tiến hành đàm phán ba bên
Mỹ sẽ đàm phán song phương với Nga và Ukraine trước khi tiến hành đàm phán ba bên

Ngày 17/2, đài NBC News đưa tin các cuộc đàm phán song phương giữa Mỹ với Nga và Ukraine sẽ diễn ra trước khi tổ chức đàm phán ba bên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN