Ngoại trưởng Ba Lan bình luận về chiến thuật đàm phán của Mỹ liên quan Ukraine

Ngoại trưởng Ba Lan Radosław Sikorski ngày 16/2 cho rằng Mỹ đang áp dụng chiến thuật đàm phán khác thường để tìm giải pháp cho cuộc xung đột ở Ukraine.

Chú thích ảnh
Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski. Ảnh: washingtontimes

Dù không tiết lộ cụ thể, ông bày tỏ sự lạc quan thận trọng về cách tiếp cận này.

“Đặc phái viên của Tổng thống Trump, ông Kellogg đã trình bày với tôi và các đồng minh châu Âu về chiến thuật đàm phán của Mỹ. Tôi sẽ không tiết lộ chi tiết, nhưng nó mang lại một số hy vọng. Cách tiếp cận này không theo truyền thống, nhưng chúng tôi chúc họ may mắn”, ông Sikorski phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich.

Thông tin về các chiến thuật đàm phán mới của Mỹ xuất hiện trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump bất ngờ tuyên bố ông đã điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 12/2 và ra lệnh khởi động ngay lập tức các cuộc đàm phán hòa bình về Ukraine.

Tuyên bố này khiến nhiều nhà lãnh đạo châu Âu lo ngại họ có thể bị loại khỏi tiến trình đàm phán, nhất là khi Mỹ có vẻ đang tìm cách thúc đẩy một giải pháp riêng giữa Moskva và Kiev. Chủ đề này đã trở thành trọng tâm thảo luận tại Hội nghị An ninh Munich kéo dài ba ngày, khai mạc hôm 16/2.

Theo Reuters, một hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp của châu Âu về Ukraine sẽ được tổ chức tại Pháp vào ngày 19/2 nhằm thảo luận về diễn biến này.

Trong khi đó, ông Keith Kellogg, đặc phái viên của Tổng thống Trump về Ukraine và Nga, tiết lộ rằng Mỹ có thể công bố một kế hoạch hòa bình dành cho Moskva và Kiev trong vòng vài ngày hoặc vài tuần tới.

“Hãy cho chúng tôi một chút không gian và thời gian, nhưng tôi không nói về sáu tháng, mà chỉ là vài ngày hoặc vài tuần”, ông Kellogg phát biểu bên lề Hội nghị Munich, được CNBC dẫn lời.

Ông cũng nhấn mạnh rằng Tổng thống Trump đang thúc ép tiến trình này nhanh chóng: “Ông ấy sẽ giao nhiệm vụ cho bạn hôm nay và ngày mai sẽ hỏi tại sao vấn đề chưa được giải quyết”.

Trước đó, theo Wall Street Journal, từ tháng 1, ông Trump đã giao cho ông Kellogg xây dựng một thỏa thuận hòa bình cho Ukraine trong vòng 100 ngày. Đồng thời, Tổng thống Mỹ cũng cảnh báo Moskva có thể đối mặt với các lệnh trừng phạt mới nếu từ chối kế hoạch này, nhưng nhấn mạnh rằng ông không muốn gây tổn hại cho Nga.

Trong tuần qua, điện đàm giữa lãnh đạo Nga và Mỹ đánh dấu lần tiếp xúc cấp cao đầu tiên giữa hai nước kể từ khi cuộc xung đột Ukraine leo thang vào tháng 2/2022.

Theo Điện Kremlin, ông Trump bày tỏ mong muốn nhanh chóng chấm dứt chiến sự và đạt được giải pháp hòa bình, trong khi Tổng thống Putin nhấn mạnh cần giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của xung đột và khẳng định một thỏa thuận dài hạn có thể đạt được qua đàm phán.

Sau cuộc trao đổi, ông Trump tuyên bố trên nền tảng Truth Social rằng Washington và Moskva sẽ ngay lập tức bắt đầu thảo luận để giải quyết xung đột. Ông cũng tiết lộ rằng các quan chức Mỹ và Nga có thể gặp mặt trong khuôn khổ Hội nghị An ninh Munich và Ukraine cũng được mời tham dự. Tuy nhiên, các nhà tổ chức hội nghị chưa xác nhận có cuộc gặp nào như vậy.

Dù chưa có thông tin chính thức về nội dung đàm phán, những động thái này cho thấy Mỹ đang tích cực tìm cách thúc đẩy giải pháp hòa bình cho xung đột Ukraine.

Việt Dũng/Báo Tin tức (Theo Reuters/polskieradio)
Tổng thống Phần Lan tuyên bố cứng rắn về Nga trước đàm phán về xung đột Ukraine
Tổng thống Phần Lan tuyên bố cứng rắn về Nga trước đàm phán về xung đột Ukraine

Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb ngày 16/2 kêu gọi tăng cường khả năng quân sự của Ukraine và duy trì áp lực tối đa lên Nga trước khi bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào diễn ra.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN