Tổng thống Pháp nói: "Đó là một quyết định hoàn toàn đúng đắn. Tôi hiểu rằng nó được kích hoạt bởi một sự thay đổi nghiêm trọng trong cuộc xung đột mà không nên đánh giá thấp”. Ông Macron cũng đề cập đến việc có lực lượng quân đội của nước thứ ba đang tiến quân cùng với Nga vào trong lãnh thổ châu Âu.
Nội dung phát biểu trên của ông được đưa ra bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) được tổ chức tại Brazil. Sự kiện này cũng đang có sự tham dự của Tổng thống Mỹ Joe Biden - người đã đưa ra chính sách trên.
Mặc dù bản thân Tổng thống Mỹ Biden chưa công khai lên tiếng về động thái này, nhưng một quan chức nước này đã xác nhận rằng Washington sẽ cho phép Kiev sử dụng tên lửa tầm xa do Mỹ cung cấp để tấn công bên trong lãnh thổ Nga.
Đáp lại những động thái trên của Mỹ, Thượng nghị sĩ Andrei Klishas của Nga khẳng định: "Phương Tây đã chọn mức độ leo thang có thể khiến tình trạng quốc gia của Ukraine có thể bị phá nát hoàn toàn trước khi trời sáng". Ông Vladimir Dzhabarov, Phó Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng viện Nga khẳng định động thái phản ứng của Moskva sẽ đến nhanh chóng và cho biết: "Đây là bước đi rất lớn hướng đến việc khởi đầu Thế chiến 3".
Hiện nay các nước phương Tây dường như bị chia thành 2 nhóm giữa bên ủng hộ quyết định của phía My và bên còn lại lo ngại việc cung cấp tên lửa tầm xa cho phía Ukraine sẽ khiến căng thẳng leo thang toàn khu vực.
Theo đó, vào ngày 17/11, truyền thông các nước cho biết sau khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden rộng đường cho Ukraine sử dụng tên lửa ATACMS thì Pháp và Anh cũng đã cho phép Ukraine sử dụng tên lửa SCALP và Storm Shadow với mục đích tương tự.
Với Ba Lan, Tổng thống Andrzej Duda cho biết: "Tôi hoan nghênh quyết định này của Tổng thống Joe Biden và các đồng minh của chúng tôi với sự hài lòng. Tôi tin rằng Ukraine phải có phương tiện để tự vệ hiệu quả. Điều này bao gồm việc đẩy lùi hậu phương của Nga để ngăn không cho ở quá gần tiền tuyến, đặc biệt là trong tình huống người Nga đang mời các đồng minh của họ tham gia cùng họ trong cuộc chiến này. Do đó, tôi tin rằng quyết định của Tổng thống Biden là rất cần thiết."
Trong khi đó vào ngày 18/11, người phát ngôn Chính phủ Đức Wolfgang Buchner cho biết Thủ tướng nước này không có kế hoạch cung cấp tên lửa hành trình Taurus cho Ukraine mặc dù Mỹ đã nới lỏng hạn chế đối với các cuộc tấn công vào sâu vào bên trong lãnh thổ Nga. Theo đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã làm rõ lập trường của mình về vấn đề này và sẽ không thay đổi quan điểm nữa.