Tổng thống Nga chỉ thị cấp giấy chứng nhận tiêm vaccine ngừa virus SARS-CoV-2

Theo danh sách các chỉ thị của Tổng thống đã được công bố ngày 4/1 trên trang mạng của Điện Kremlin.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine Sputnik V phòng COVID-19 cho người dân tại Moskva, Nga, ngày 5/12/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã yêu cầu chính phủ xem xét vấn đề cấp giấy chứng nhận cho những người được tiêm vaccine phòng virus SAR-CoV-2 gây dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. 

Theo chỉ thị của Tổng thống công bố ngày 4/1, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin được chỉ định chịu trách nhiệm báo cáo về việc xem xét vấn đề cấp giấy chứng nhận cho những người đã tiêm chủng vaccine ngừa virus SAR-CoV-2 của Nga, cũng như được quốc tế công nhận cho công dân xuất nhập cảnh vào Nga và qua biên giới các nước khác trước ngày 20/1.

Ngày 2/1, Bộ trưởng Y tế Nga, ông Mikhail Murashko thông báo những người đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19 có thể nhận giấy chứng nhận tiêm chủng trên trang mạng dịch vụ công từ ngày 1/1. Trước đó, ngày 29/12/2020, ông Murashko đã đề cập đến sự xuất hiện của "hộ chiếu" tiêm chủng trên cổng thông tin. Bên cạnh đó, ông Murashko cho biết hơn 800.000 người dân Nga đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19 và hơn 1,5 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 đã được cấp phát cho các tỉnh của Nga.

Việc tiêm chủng quy mô lớn ngừa virus SARS-CoV-2 bắt đầu ở Nga từ ngày 15/12 và ở thủ đô Moskva ngày 5/12. Người dân Nga được tiêm vaccine Sputnik V do Trung tâm Gamaleya phát triển và là vaccine đầu tiên ngừa COVID-19 trên thế giới. Theo một số nghiên cứu, hiệu quả cuối cùng của vaccine này là 91,4%.

Trong khi đó, tại Pháp, chính phủ nước này đang bị chỉ trích về việc chậm trễ trong kế hoạch triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19. Tổng thống Emmanuel Macron đã tỏ ra tức giận vì tiến độ tiêm vaccine diễn ra quá chậm khi đến nay mới chỉ có vài trăm người được tiêm vaccine ngừa COVID-19, ít hơn nhiều so với con số 200.000 người ở Đức và khoảng 1 triệu người ở Anh.

Theo tờ Journal du Dimanche ra ngày 4/1, ông Macron đã chỉ trích về tốc độ triển khai, cho rằng tiến độ tiêm chủng diễn ra "như một cuộc dạo chơi", không phù hợp với thời điểm số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đang gia tăng mạnh. Với kinh nghiệm của một người từng mắc COVID-19, ông Macron nói: "Tôi đã phải chiến đấu với dịch bệnh cả sáng, trưa, chiều, tối. Tôi mong đợi một cam kết từ chính phủ, nhưng điều đó chưa xảy ra và nó phải được thay đổi ngay lập tức và chắc chắn".

Phó Tổng thống Jordan Bardella, cho biết: "Trong vòng một tuần, chúng ta mới chỉ tiêm vaccine cho hơn 500 người. Thật đáng xấu hổ khi con số này chỉ tương đương với số người Đức tiêm trong vòng 30 phút". Theo Bộ Y tế Pháp, tính đến ngày 1/1/2021, mới chỉ có 516 người nhận được vaccine ngừa COVID-19.

Cho đến nay, Liên minh châu Âu (EU) mới chỉ thông qua vaccine Pfizer-BioNTech do Mỹ và Đức hợp tác bào chế, trong khi vaccine do tập đoàn Sanofi của Pháp và GSK của Anh bào chế dự đoán phải cuối năm mới sẵn sàng để sử dụng.

Phương Hoa  (TTXVN)
Anh trở thành nước đầu tiên tiêm vaccine của AstraZeneca/Đại học Oxford
Anh trở thành nước đầu tiên tiêm vaccine của AstraZeneca/Đại học Oxford

Ngày 4/1, Anh bắt đầu tiêm vaccine phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, do hãng dược phẩm AstraZeneca phối hợp với Đại học Oxford của Anh bào chế. Như vậy Anh là quốc gia đầu tiên trên thế giới tiêm chủng cho người dân mũi vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca/Đại học Oxford. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN