Theo phóng viên TTXVN tại Pretoria, phát biểu tại cuộc họp báo cùng sự tham gia của các chuyên gia y tế hàng đầu, Bộ trưởng Y tế Dweli Mkhize cho biết Nam Phi đặt mục tiêu tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho ít nhất 40,3 triệu người, tương đương 2/3 dân số nước này trong năm 2021. Quá trình triển khai sẽ được chia thành 3 đợt nhằm tối ưu hóa hiệu quả của quá trình phân phối và bảo quản vaccine.
Tại cuộc họp, ông Mkhize khẳng định cách duy nhất để ngăn đà lây lan của dịch COVID-19 là tiến hành việc tiêm đại trà vaccine ngừa virus SARS-CoV-2. Hiện chính phủ đang tính toán phương án tối ưu nhất để có thể triển khai trong thời gian sớm nhất nhằm đảm bảo phần lớn người dân sẽ được tiêm vaccine trong năm nay.
Liên quan đến quá trình triển khai chiến dịch tiêm chủng quy mô nhất trong lịch sử nước này, Bộ trưởng Mkhize cho biết hiện chính phủ đã áp dụng mô hình hợp tác công - tư và bước đầu đạt được nhiều kết quả khả quan, đặc biệt trong việc phối hợp và tận dụng hiệu quả nguồn lực từ các cơ sở y tế tư nhân trên toàn quốc.
Ngoài đặt cọc 21 triệu USD để mua vaccine từ COVAX - liên minh toàn cầu sản xuất vaccine ngừa COCVID-19 cho các nước nghèo, Nam Phi cũng đang làm việc với các hãng dược phẩm hàng đầu thế giới như Pfizer, Moderna và Johnson&Johnson nhằm đẩy nhanh quá trình tiếp cận vaccine. Theo dự kiến, nước này sẽ tiếp nhận những lô vaccine đầu tiên vào cuối quý 1.
Là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 tại châu Phi, hôm 28/12 vừa qua Nam Phi đã ra lệnh tái phong tỏa đất nước sau khi ghi nhận số ca nhiễm mới tăng kỷ lục, vượt xa giai đoạn đỉnh dịch của làn sóng thứ nhất tại nước này hồi tháng 7 - 8/2020.
Với lệnh phong tỏa cấp độ 3 trong thang 5 cấp, bắt đầu từ ngày 29/12 tất cả sự kiện có đông người tham dự sẽ bị cấm cho đến ngày 15/1, ngoại trừ việc tang lễ song số người tham dự không được vượt quá 50. Ngoài ra, chính phủ nghiêm cấm các hoạt động mua bán đồ uống có cồn, đồng thời kéo dài thời gian giới nghiêm ban đêm từ 21h tối hôm trước đến 6h sáng ngày hôm sau.
Tính đến hết ngày 3/1, Nam Phi ghi nhận 1.088.871 ca mắc COVID-19 trong đó bao gồm 29.175 trường hợp tử vong. Nước này hiện có số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 cao nhất châu Phi, bỏ xa các nước xếp liền sau như Maroc với 442.00 ca và Ai Cập với 141.000 ca.
Nghiêm trọng hơn, tốc độ lay lan virus SARS-CoV-2 tại quốc gia phát triển nhất châu Phi đã tăng với cấp số nhân trong thời gian gần đây, từ 900,000 ca lên mốc 1 triệu chỉ trong vòng 9 ngày, và trước đó đã tăng từ 800.000 lên 900.000 trưởng hợp trong vòng 2 tuần.