Theo kế hoạch, Tổng thống Biden cùng người đứng đầu Cơ quan Quản lý Tình trạng khẩn cấp Liên bang (FEMA) Deanne Criswell sẽ tới thị sát hạt Santa Clara trước tiên, sau đó sẽ di chuyển bằng trực thăng tới các khu vực bị bão tàn phá ở phía Nam thành phố San Francisco.
Nhà Trắng cho biết tháp tùng Tổng thống Biden trong chuyến thị sát này còn có Thống đốc bang California Gavin Newsom và một số quan chức khác. Tại Santa Clara, đoàn thị sát sẽ dừng chân ở ít nhất 2 điểm dọc khu vực ven biển của hạt này, nơi hàng nghìn cư dân đã được lệnh sơ tán khỏi các khu vực trũng thấp bị ngập lụt do lũ quét, thủy triều nguy hiểm và lượng nước lớn xối xả đổ xuống từ trên núi do bão tiếp nối bão.
Bên cạnh đó, Tổng thống Biden có kế hoạch gặp các chủ doanh nghiệp, lãnh đạo địa phương, các cư dân cùng các đội ứng phó khẩn cấp tại thị trấn Capitola và khu vực bãi biển Seacliff State lân cận - dự kiến ông sẽ có bài phát biểu tại đây.
Trong 3 tuần qua, California - bang đông dân nhất của Mỹ, đã hứng chịu 9 cơn bão "dòng sông khí quyển" liên tiếp trong bối cảnh bão mùa Đông nghiêm trọng kéo dài đã gây lũ lụt nghiêm trọng, khiến tuyết rơi dày và cướp đi sinh mạng của ít nhất 20 người. "Dòng sông khí quyển" là một luồng không khí khổng lồ chứa lượng lớn hơi ẩm thổi từ Thái Bình Dương và cường độ trở nên mạnh hơn do tác động của các rãnh áp thấp ở ngoài khơi.
Giới chuyên gia cho biết việc gia tăng tần suất và cường độ của các cơn bão như vậy, cũng như các hiện tượng thời tiết cực đoan, hạn hán kéo dài là những biểu hiện của tình trạng biến đổi khí hậu. Điều này gây khó khăn hơn cho công tác quản lý nguồn cung cấp nước quý giá của bang California trong bối cảnh bang này đang nỗ lực giảm thiểu nguy cơ lũ lụt và cháy rừng hiện ở mức cao.