Tổng thống Mỹ ký luật mở cửa lại chính phủ

Chiều ngày 16/10 (giờ Mỹ), với tỉ lệ 285 phiếu thuận, 144 phiếu chống Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật cho phép mở cửa trở lại toàn bộ chính phủ và nâng trần nợ công mà Thượng viện mới thông qua trước đó ít phút. Gần như ngay sau đó, Tổng thống Obama đã ký ban hành luật, chính thức chấm dứt 16 ngày chính phủ đóng cửa.

Thượng nghị sỹ Harry Reid (giữa) phát biểu tại cuộc họp báo sau khi thỏa thuận được thông qua ngày 16/10. Ảnh: AFP/TTXVN


Diễn biến mau lẹ

Thỏa thuận trên đạt được đúng vào ngày thứ 16 chính phủ Mỹ buộc phải đóng cửa một phần, và chưa đầy một ngày trước hạn chót 17/10 - thời điểm mà Bộ Tài chính cảnh báo nước Mỹ có thể rơi vào tình trạng vỡ nợ nếu trần nợ công không được nâng lên.

Tổng thống Barack Obama ngay lập tức hoan nghênh các quyết định tại lưỡng viện, ông nói:“Tôi sẽ kí ban hành luật tức thì... Chúng ta sẽ mở cửa chính phủ trở lại ngay lập tức”. Người đứng đầu Nhà Trắng cho biết, “chúng ta còn nhiều việc phải làm phía trước, trong đó có việc lấy lại lòng tin của người dân nước Mỹ đã bị đánh mất vài tuần nay”.

Phát biểu ngay sau khi thông qua, Thủ lĩnh phe đa số tại Thượng viện Harry Reid cho biết, "chúng tôi đã có thể tiến lại cùng nhau vì nhiều lý do khác. Cuối cùng, các đối thủ chính trị đã dẹp những khác biệt sang một bên”. Ông đánh giá cao thỏa thuận mới này sau khi đã có các cuộc tham vấn với thủ lĩnh phe thiểu số tại Thượng viện McConnell, coi đó là bước đi “lịch sử”.

Thỏa thuận vào phút chót có thể được xem là một chiến thắng cho ông Obama và các nghị sĩ Dân chủ trước các nghị sĩ bảo thủ Cộng hòa - những người đã cố gắng sử dụng việc đóng cửa chính phủ và thời hạn chót trần nợ công để buộc phe Dân chủ phải có sự nhượng bộ cắt giảm chi tiêu, cũng như hủy bỏ Đạo luật cải cách y tế của Nhà Trắng, thường gọi là Obamacare.

Phản ứng trước diễn biến tích cực trên, thị trường chứng khoán Mỹ đã có một phiên tăng điểm mạnh. Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 200 điểm.

Thỏa thuận mới được thông qua sẽ gia hạn chi tiêu tạm thời đến thời điểm 15/1/2014, cũng như nâng trần nợ công liên bang đến hạn 7/2/2014. Nó đề cập đến các cuộc đàm phán về ngân sách giữa Thượng viện và Hạ viện cho một kế hoạch chi tiêu rộng lớn hơn đối với năm tài khóa 2014, kết thúc vào ngày 30/9/2014.

Thành công tạm thời

Chủ tịch Hạ viện John Boehner phát biểu: “Chúng tôi đã có một cuộc quyết đấu tốt; chỉ là việc không giành được thắng lợi mà thôi”. Một điểm then chốt, gây tranh cãi nhiều nhất là chương trình Obamacare đã không được các bên đề cập một cách rõ nét.


Trước khi cuộc bỏ phiếu được tiến hành, Thượng nghị sĩ Ted Cruz bang Texas - một người thuộc Đảng Trà (Tea Party) và kịch liệt phản đối dự luật, đã gọi thỏa thuận nếu đạt được là kết cục ghê sợ. Ông Cruz chỉ trích các thượng nghị sĩ đồng nghiệp vì cái mà ông gọi là sự thất bại trong việc lắng nghe người dân Mỹ. Ngay sau khi Thượng viện bỏ phiếu thông qua, ông Cruz cho biết sẽ tiếp tục cuộc chiến chống Obamacare.

Trong một diễn biến khác, ông McConnell phe Cộng hòa bảo lưu quan điểm cứng rắn trong các cuộc thảo luận ngân sách sẽ được tiến hành từ nay đến tháng 12 tới. Theo đó, bất kì một thỏa thuận chi tiêu nào cũng phải tuân thủ điều luật được thông qua năm 2011 với tên gọi “quyền trưng thu ngân sách” tạm thời của Quốc hội. Ông nói rằng, việc “duy trì điều luật này có vai trò rất quan trọng đối với tương lai của đất nước chúng ta”.


H.T (Tổng hợp)

Đóng cửa 16 ngày, nước Mỹ thiệt 24 tỉ USD
Đóng cửa 16 ngày, nước Mỹ thiệt 24 tỉ USD

Theo một phân tích sơ bộ của Standard&Poor’s, 16 ngày đóng cửa một phần chính phủ đã khiến kinh tế Mỹ thiệt hại 24 tỉ USD.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN