Ông Pavel Sharikov tại Viện nghiên cứu Nga và Canada thuộc Học viện Hàn lâm Nga nhận định rằng Tổng thống Trump buộc phải đặt bút ký dự luật trừng phạt mới bởi áp lực trong nội bộ chính trị nước này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP |
Hãng Sputnik (Nga) dẫn lời ông Sharikov: “Kế hoạch của Tổng thống Donald Trump với Nga vẫn chưa rõ ràng. Tất nhiên, đạo luật mới sẽ trói chặt tay Tổng thống Mỹ và ngăn ông thực hiện kế hoạch đã tuyên bố khi vận động tranh cử”.
Theo chuyên gia Sharikov, ông Trump đã rơi vào cái bẫy về lùm xùm xung quanh cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ.
“Các nhà lập pháp không ưa Tổng thống Trump và chiến thắng của ông này trong cuộc bầu cử năm 2016 đã nhất trí liên minh lại và đặt áp lực chính trị lên Tổng thống. Cùng thời điểm, mối quan hệ Nga-Mỹ đã trở thành con tin của áp lực này”, ông Sharikov kết luận.
Đạo luật trừng phạt mới nhắm đến mục tiêu là ngành công nghiệp quốc phòng, tình báo, khai khoáng, đóng tàu và đường sắt của Nga. Bên cạnh đó, đạo luật mới hạn chế các giao thương với ngân hàng và các công ty năng lượng của Nga. Đạo luật viện lý do là các cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ, tham gia vào khủng hoảng Ukraine và thực hiện không kích tại Syria để áp dụng trừng phạt mới.
Nga đã nhiều lần bác bỏ các cáo buộc nước này
can thiệp bầu cử Mỹ và công việc nội bộ Urkaine. Về phần Syria, Nga khẳng định thực hiện cuộc không kích chống tại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trên lãnh thổ nước này theo yêu cầu của Tổng thống Bashar al-Assad.
Ngoài ra, đạo luật này còn “khóa” khả năng giảm nhẹ trừng phạt Nga của Tổng thống Mỹ khi yêu cầu phải có chấp thuận của Quốc hội mới được thực hiện động thái này.
Ngày 2/8, Tổng thống Trump đã bày tỏ lo ngại về đạo luật mới được ký mà ông gọi là “khiếm khuyết nghiêm trọng” bởi văn bản quy phạm pháp luật này đã hạn chế khả năng của ông để đàm phán về lệnh trừng phạt.
Đơn cử như việc từ nay Tổng thống Trump sẽ phải nhận được sự thông qua của quốc hội để đảo ngược các biện pháp trừng phạt Nga có từ thời người tiền nhiệm Barack Obama. Ngoài ra, để trả lại các cơ sở ngoại giao của Nga bị tịch thu bởi chính quyền cựu Tổng thống Obama, ông Trump cũng buộc phải hỏi ý kiến của quốc hội.
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev ngày 2/8 nhận định rằng đạo luật mới không để lại bất kỳ hy vọng nào cho khả năng cải thiện mối quan hệ giữa Washington và Moskva.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Nga miêu tả đạo luật mới là “tuyệt đối không hợp tác”, trong khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 28/7 đã phê chuẩn các biện pháp đáp trả việc Thượng viện và Hạ viện Mỹ thông qua dự luật trừng phạt Nga. Đến ngày 30/7, Tổng thống Putin khẳng định, vì các chính sách của Mỹ, hơn 750 nhân viên ngoại giao nước này sẽ phải rời lãnh thổ Nga trước ngày 1/9.
Châu Âu cũng thể hiện rõ không đồng tình với những biện pháp trừng mới của Mỹ nhằm vào Nga. Điều này được cho bắt nguồn từ việc dự luật mới cho phép Mỹ trừng phạt bất cứ công ty nào “dính dáng” đến duy trì và phát triển đường ống dầu xuất khẩu của Nga. Đây là "mũi tên" có thể gây ảnh hưởng đến việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt "Dòng chảy phương Bắc 2" giữa Nga và Đức.