Điều đó đồng nghĩa với khả năng Trung Quốc sẽ tìm kiếm giải pháp cân bằng giữa việc duy trì sự ổn định ở biên giới với Triều Tiên trong bối cảnh căng thẳng Bán đảo Triều Tiên leo thang và việc gây sức ép với nước này liên quan đến các hoạt động hạt nhân và tên lửa sau khi Washington thúc giục.
Balbina Hwang – cựu cố vấn đặc biệt chuyên nghiên cứu các vấn đề Đông Á dưới thời chính quyền cựu Tổng thống George W. Bush – trả lời phỏng vấn tạp chí The Korea Times: “Trung Quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ Triều Tiên, cả chính thức và không chính thức”.
Mặc dù một số nhà phân tích nhận định Trung Quốc sẽ bất ngờ thay đổi thái độ với Triều Tiên, song chuyên gia Hwang lại cho rằng thái độ cứng rắn của Trung Quốc về việc Hàn Quốc lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) là bằng chứng rõ ràng ám chỉ Bắc Kinh sẽ không có bất kỳ hoạt động cần thiết để phi hạt nhân hóa Triều Tiên, vì sau cùng, đó không phải là mục tiêu ưu tiên của Trung Quốc.
Trước đó, Trung Quốc đã phản đối việc triển khai chương trình THAAD gây tranh cãi tại huyện Seonjou (Hàn Quốc). Bắc Kinh cho rằng hệ thống đó làm suy yếu lợi ích an ninh của quốc gia trong khu vực. Một số nhà phân tích tin rằng Trung Quốc lo sợ radar của hệ thống THAAD không chỉ đơn thuần phục vụ mục đích phòng thủ mà còn do thám các hoạt động quân sự. Washington bác bỏ thông tin này, khẳng định mục đích duy nhất lắp đặt hệ thống chống tên lửa này chỉ đơn giản là phòng thủ trước các hành động tấn công từ Bình Nhưỡng.
Chuyên gia Hwang nhấn mạnh: “Quan trọng hơn cả việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên là Trung Quốc mong muốn duy trì sự ổn định tại Đông Bắc Á và hạn chế sức ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực châu Á”.
Vào cuối tháng 7 vừa qua, bày tỏ trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump có viết: “Tôi thực sự thất vọng về Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo tiền nhiệm cho phép họ một năm kiếm được hàng trăm tỷ USD nhờ hoạt động thương mại, nhưng họ chẳng làm gì cho chúng ta trong vấn đề Triều Tiên, họ chỉ nói mồm thôi. Chúng ta sẽ không cho phép điều này tiếp tục xảy ra nữa. Trung Quốc đã có thể dễ dàng giải quyết chuyện này”.
Phản ứng trước những lời chỉ trích, Đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc Liu Jieyi bức xúc cho rằng không phải là Bắc Kinh, mà chính Bình Nhưỡng và Washington là hai nước phải chịu trách nhiệm chính trong việc đưa mọi thứ đi đúng hướng.
Hình ảnh tên lửa được Triều Tiên phóng ngày 4/7. Ảnh: KRT/AP |
Một vài nhà phân tích cảm nhận sau
lần phóng tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng vào ngày 4/7, Bắc Kinh đã có vẻ lo lắng như các quốc gia khác. Tuy nhiên, điều họ quan tâm hơn là duy trì sự ổn định tại biên giới phía đông bắc với Triều Tiên cũng như tìm cách giúp đảm bảo an ninh ngay trong chính quốc gia bị cô lập.
Các chuyên gia cho rằng Bắc Kinh sẽ không sớm có hành động quyết định chống lại Triều Tiên mặc dù nước này cũng đã chính thức thống nhất nghe theo Washington khởi động các lệnh trừng phạt.
Chuyên gia Tara O thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Diễn đàn Thái Bình Dương nhận xét: Dù Trung Quốc có hưởng lợi ích từ các hoạt động thương mại và đầu tư với Hàn Quốc, song họ sẽ không đánh đổi mối ưu tiên “dĩ hòa vi quý” với Triều Tiên.
Bà Tara nhấn mạnh: “Trung Quốc lo sợ sẽ xảy ra tình trạng đòi trao trả lại lãnh thổ từ người dân tộc Triều Tiên đang sinh sống tại đông bắc Trung Quốc, như những gì xảy ra ở Tây Tạng, Tân Cương và thậm chí Hong Kong… Chính vì vậy, Trung Quốc sẽ tiếp tục hậu thuẫn chế độ của ông Kim Jong-un cho đến khi họ cảm thấy cái giá họ trả quá đắt hoặc có phương án tốt hơn”.