Đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc Lưu Kết Nhất. Ảnh: EPA/ TTXVN |
Tuyên bố trên được Đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc (LHQ) Lưu Kết Nhất đưa ra ngày 31/7 sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ "rất thất vọng" trước việc Trung Quốc "án binh bất động" trong vấn đề Triều Tiên.
Phát biểu với báo giới tại trụ sở LHQ ở New York (Mỹ), Đại sứ Lưu Kết Nhất nhấn mạnh: "Mỹ và Triều Tiên, chứ không phải Trung Quốc, đóng vai trò chính trong việc đưa mọi việc đi đúng hướng. Cho dù Trung Quốc có khả năng đến đâu, nỗ lực của Bắc Kinh sẽ không mang lại những kết quả thiết thực bởi vấn đề này phụ thuộc chủ yếu vào hai bên chính (Mỹ và Triều Tiên)". Quan chức ngoại giao Trung Quốc cũng bày tỏ quan ngại về những hành động làm căng thẳng leo thang trong khu vực, đồng thời cho rằng "các nước liên quan" vi phạm các nghị quyết của HĐBA cũng như cản trở việc nối lại các cuộc đàm phán. Bên cạnh việc bày tỏ phản đối các vụ thử tên lửa của Triều Tiên, ông Lưu Kết Nhất cũng chỉ trích Mỹ vì những tuyên bố đề cập đến khả năng hành động quân sự.
Ông tái khẳng định lập trường phản đối của Bắc Kinh đối với việc triển khai Hệ thống Phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ tại Hàn Quốc, cho rằng vấn đề này sẽ tác động tiêu cực đến sự ổn định chiến lược trong khu vực. Theo Đại sứ Lưu Kết Nhất, Trung Quốc đã đề xuất Triều Tiên ngừng các chương trình hạt nhân và tên lửa để đổi lại việc các lực lượng Mỹ và Hàn Quốc chấm dứt các cuộc tập trận quân sự chung thường niên, tin rằng đây là "một đề xuất khả thi". Quan chức này đồng thời nhấn mạnh mục tiêu của Bắc Kinh là đạt được sự phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên, duy trì hòa bình và sự ổn định trong khu vực cũng như tìm kiếm một giải pháp ngoại giao thông qua đối thoại và tham vấn.
Trung Quốc nhiều lần khẳng định Bắc Kinh không có trách nhiệm giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên và Washington cùng với Bình Nhưỡng cần thực thi các biện pháp nhằm làm dịu căng thẳng và giải tỏa các quan ngại của nhau. Bên cạnh đó, Trung Quốc khẳng định nước này tuân thủ đầy đủ các nghị quyết của LHQ trừng phạt Triều Tiên, đồng thời lên án việc Mỹ đơn phương trừng phạt các công ty của Trung Quốc, coi đó là hành động vô ích.
Trước đó, Triều Tiên xác nhận đã phóng thử thành công tên lửa Hwasong-14 vào đêm 28/7. Đây là vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) liên tiếp thứ hai của Triều Tiên. Sau vụ việc trên, Hàn Quốc đã bắt đầu tiến hành các cuộc tham vấn với Mỹ về việc triển khai thêm các bệ phóng thuộc THAAD của Mỹ tại nước này. Về vấn đề này, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Jeff Davis hôm 31/7 cũng khẳng định Washington sẵn sàng nhanh chóng đưa các bộ phận còn lại của THAAD tới Hàn Quốc.
Trong một động thái khác, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Song Young-moo cùng ngày nhận định vẫn còn quá sớm để kết luận rằng trong vụ phóng ICBM hôm 28/7 vừa qua, Triều Tiên đã thử nghiệm công nghệ cần thiết để đưa đầu đạn hạt nhân trở lại khí quyển. Theo ông, trong vụ phóng này, Triều Tiên dường như tập trung vào việc cải thiện tầm bắn của ICBM.
Cùng ngày, hãng tin Reuters dẫn lời hai quan chức tình báo Mỹ giấu tên đánh giá vụ thử ICBM mới nhất của Triều Tiên chứng tỏ tên lửa của Bình Nhưỡng hiện sở hữu có thể đánh trúng hầu hết lãnh thổ Mỹ. Tuy nhiên, hai quan chức tình báo trên cho rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un mong muốn phát triển ICBM mang đầu đạn hạt nhân nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công nhằm vào đất nước mình, và giành được tính hợp pháp quốc tế, chứ không phải tiến hành cuộc tấn công nhằm vào Mỹ hay các đồng minh của nước này.
Trong khi đó, chuyên gia tên lửa Michael Elleman thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) nhận định các đoạn băng về vụ phóng tên lửa mới đây của Triều Tiên cho thấy Bình Nhưỡng có thể vẫn chưa làm chủ được công nghệ đưa đầu đạn quay trở lại khí quyền vốn cần thiết để chế tạo tên lửa có gắn đầu đạn hạt nhân.