Theo đó, trong 12 tháng tới, Mỹ chỉ tiếp nhận tối đa 15.000 người tị nạn. Đây là đợt cắt giảm mạnh hơn so với mức 18.000 người năm 2019 và hơn 100.000 người dưới thời Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama.
Tổng thống Donald Trump tuyên bố Bộ Ngoại giao Mỹ trong năm nay cần đảm trách việc phân bổ số người tị nạn tới từng địa phương trên cả nước, đáp ứng nguyện vọng của chính quyền địa phương trong việc tiếp nhận người tị nạn, đồng thời đảm bảo người tị nạn nhanh chóng hòa nhập cộng đồng và tham gia lực lượng lao động tại địa phương đó. Theo kế hoạch này, 15.000 người tị nạn được tiếp nhận vào Mỹ trong năm 2021 được phân bổ theo các diện đối tượng như người Iraq hỗ trợ Mỹ, người tị nạn từ El Salvador, Guatemala và Honduras...
Trong khi đó, ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden cam kết nâng mức tiếp nhận người tị nạn lên 125.000 người và cho rằng việc chào đón những người di cư vì chiến tranh, xung đột thể hiện giá trị của nước Mỹ.
Theo Cao ủy Liên hợp quốc (LHQ) về người tị nạn (UNHCR), gần 80 triệu người trên thế giới đã phải đi sơ tán, gấp đôi so với cách đây một thập kỷ. Trong đó, Syria là quốc gia có nhiều người tị nạn nhất trên thế giới sau gần một thập kỷ nội chiến. Dữ liệu của LHQ cho thấy trong nhiều năm qua, Mỹ đã tiếp nhận nhiều người tị nạn hơn phần còn lại của thế giới cộng lại. Tuy nhiên, năm 2019, Canada đã vượt Mỹ trở thành nước dẫn đầu khi đón nhận hơn 30.000 người tị nạn.
Mỹ đến nay vẫn cấm người tị nạn từ Somalia, Syria và Yemen, trừ các trường hợp liên quan đến vấn đề nhân đạo đặc biệt, do lo ngại nguy cơ khủng bố.