Trước đó, các thống đốc đảng Cộng hòa ở Florida và Texas - hai bang lớn nhất nước Mỹ, đã bác bỏ khuyến nghị của giới chức y tế yêu cầu học sinh đeo khẩu trang khi trở lại trường theo học trực tiếp trong năm học mới.
Hiện chương trình tiêm chủng vaccine của Mỹ cũng đối mặt với một số khó khăn nhất định, đặc biệt ở những khu vực bảo thủ về chính trị ở miền Nam và Trung Tây. Tuy nhiên, ngày 18/8, trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters, bà Deanne Criswell - người đứng đầu số Cơ quan quản lý khẩn cấp liên bang Mỹ, cho biết thông điệp kêu gọi mạnh mẽ của chính phủ đã bắt đầu phát huy tác dụng, khi tỷ lệ tiêm chủng vaccine ở những bang chịu ảnh hưởng của bão đã tăng, dù vẫn còn nhiều việc cần phải làm.
Hồi tuần trước, Tổng thống Joe Biden đã kêu gọi người dân ở các bang miền Đông Nam - những nơi hiện có tỷ lệ tiêm chủng tương đối thấp, đi tiêm vaccine COVID-19 trước cao điểm mùa bão Đại Tây Dương năm nay, do nguy cơ gia tăng khi người dân phải sơ tán tránh bão và sống trong các khu nhà tạm. Bà Criswell cho rằng việc số ca mắc tại Mỹ tăng vọt thời gian gần đây dường như cũng có tác dụng khuyến khích những người còn lưỡng lự đi tiêm vaccine.
Đối với các trung tâm dưỡng lão và cơ sở chăm sóc dài hạn ở Mỹ, sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta đã làm ảnh hưởng tới tác dụng của vaccine ngừa COVID-19, tuy nhiên vaccine vẫn đạt hiệu quả cao trong ngăn ngừa bệnh chuyển biến nặng đến mức nhập viện. Đây là kết quả nghiên cứu được công bố ngày 18/8 trong Báo cáo tuần về dịch bệnh và tử vong của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC).
Các nhà nghiên cứu CDC đã so sánh dữ liệu hàng tuần của 3.862 nhà dưỡng lão và cơ sở chăm sóc dài hạn từ ngày 1 - 9/5, trước khi biến thể Delta chiếm tỷ lệ đông các ca nhiễm, với dữ liệu của 14.917 trung tâm giai đoạn từ 21/6 - 9/8, khi biến thể Delta trở thành căn nguyên chính của các ca mắc mới.
Kết quả cho thấy tính hiệu quả của vaccine 2 mũi của Pfizer/BioNTech và Moderna trong việc ngăn ngừa các ca mắc, nhẹ hoặc nặng, giảm từ 74,7% xuống còn 53,1%. Tuy nhiên,các loại vaccine ngừa COVID-19 vẫn duy trì hiệu quả cao trong việc ngăn bệnh diễn tiến nặng đến mức phải nhập viện điều trị.
Kết quả nghiên cứu này cũng đã được giới chức y tế liên bang Mỹ trích dẫn trong thông báo về việc mở rộng tiêm đại trà mũi vaccine tăng cường cho người dân bắt đầu từ ngày 20/9. Nhóm đầu tiên được tiêm mũi thứ 3 sẽ là người sống ở nhà dưỡng lão, người cao tuổi và người có hệ miễn dịch yếu.
Một nghiên cứu khác do Sở y tế bang New York thực hiện cũng cho thấy tính đến cuối tháng 7, đã có 65% người trưởng thành ở New York tiêm chủng đầy đủ 2 mũi vaccine của Pfizer/BioNTech hay Moderna cũng như vaccine 1 mũi của Johnson & Johnson. Trong giai đoạn từ đầu tháng 5 đến cuối tháng 7, hiệu quả của những vaccine trên trong ngăn ngừa các ca mắc mới đã giảm từ 91,7% xuống còn 79,8%. Tuy nhiên, hiệu quả của vaccine trong ngăn ngừa các ca nặng phải nhập viện vẫn được duy trì, từ 91,9% đến 95,3%.
Một nghiên cứu khác do các nhà nghiên cứu ở 18 bang của nước Mỹ cũng cho thấy các liều vaccine 2 mũi có hiệu quả ngăn nguy cơ nhập viện trong ít nhất 6 tháng, trong đó tỉ lệ hiệu quả là 84% trong giai đoạn 13 đến 24 tuần. Còn trong thời gian 6 tháng, 90% số người trưởng thành đã tiêm đủ 2 mũi không có tình trạng suy giảm miễn dịch.
Theo dữ liệu thống kê đến tháng 7 của CDC, biến thể Delta là nguyên nhân gây ra hơn 80% số ca mắc mới tại Mỹ, làm phức tạp hơn nỗ lực chống dịch của Mỹ cũng như các nước khác trên thế giới.