Tuyên bố của tòa án cho biết do không đủ số nghị sĩ dự họp nên Quốc hội Iraq không bầu được tổng thống mới trong thời hạn 30 ngày như quy định của Hiến pháp. Do đó, ông Salih sẽ tiếp tục tại nhiệm cho đến khi bầu được tổng thống mới thay thế ông.
Trước đó, Quốc hội Iraq đã ấn định ngày 7/2 tiến hành phiên họp thứ 2 để bầu tổng thống mới trong số 25 ứng cử viên, song phiên họp này đã không diễn ra do không hội đủ số nghị sĩ cần thiết tham dự trong bối cảnh chia rẽ chính trị giữa các phe phái trong quốc hội. Ngày 8/2, quốc hội đã mở lại việc đề cử các ứng cử viên tổng thống trong 3 ngày, theo đó gia hạn bầu tổng thống trong vòng 30 ngày kể từ phiên họp đầu tiên như Hiến pháp quy định.
Hôm 9/1, Quốc hội Iraq đã họp phiên đầu tiên, bầu chủ tịch và 2 phó chủ tịch. Theo Hiến pháp Iraq, tổng thống mới của nước này được bầu từ các ứng cử viên giành được 2/3 số phiếu ủng hộ trong quốc hội. Sau khi được bầu, tổng thống mới sẽ yêu cầu liên minh lớn nhất trong quốc hội chỉ định thủ tướng để thành lập chính phủ trong vòng 30 ngày.
Ngày 10/10/2021, Iraq tổ chức bầu cử quốc hội lần thứ 5, trong đó Phong trào Sadrist của giáo sĩ Hồi giáo dòng Shi'ite Muqtada al-Sadr giành được nhiều ghế nhất, với 73 trong tổng số 329 ghế. Phong trào này không tham gia phiên họp ngày 7/2 vừa qua của quốc hội.
Theo cơ cấu chia sẻ quyền lực ở Iraq, tổng thống do người Kurd đảm nhiệm, Chủ tịch Quốc hội là người Hồi giáo dòng Sunni và thủ tướng là người Hồi giáo dòng Shi'ite.