Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Ảnh: YONHAP/TTXVN |
Phóng viên TTXVN tại Seoul dẫn nguồn tin Phủ Tổng thống Hàn Quốc cho biết phát biểu tại Quỹ Korber, một cơ quan nghiên cứu phi lợi nhuận có trụ sở tại Berlin, ông Moon Jae-in tuyên bố: "Khi có những điều kiện thích hợp và khi có cơ hội để đảo ngược tình trạng căng thẳng và đối đầu hiện nay trên Bán đảo Triều Tiên, tôi sẵn sàng gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào bất kỳ thời điểm nào và tại bất kỳ địa điểm nào".
Đề cập vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa của Triều Tiên ngày 4/7 vừa qua, Tổng thống Moon Jae-in cho rằng hành động khiêu khích này là "sự lựa chọn gây thất vọng và liều lĩnh" của Bình Nhưỡng
Nhà lãnh đạo Hàn Quốc cũng kêu gọi Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán và nêu rõ đây là cơ hội tốt nhất và cuối cùng để làm như vậy. Ông nêu rõ: "Chúng tôi không muốn Triều Tiên sụp đổ, chúng tôi cũng sẽ không tìm kiếm bất kỳ dạng thống nhất nào (với Triều Tiên) bằng cách chiếm lấy". Ngoài ra, ông cũng cam kết duy trì các mối quan hệ nhân đạo và phi chính trị với Triều Tiên, cho dù quan hệ quân sự hay chính trị giữa hai bên thế nào. Ông còn đưa ra 4 kế hoạch hành động để hai bên có thể đảm bảo hòa bình trên Bán đảo Triều tiên, trong đó có việc nối lại đối thoại liên Triều và ngừng tất cả các hành động thù địch dọc theo đường giới tuyền chia cắt hai miền.
Trong diễn biến liên quan, cùng ngày, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản đã kêu gọi gia tăng các biện pháp trừng phạt chống Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng phóng thử một tên lửa liên đạn đạo lục địa (ICBM) bất chấp các nghị quyết của Liên hợp quốc (LHQ).
Phát biểu tại cuộc họp báo với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tại Brussels (Bỉ), Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk tuyên bố: "Chúng tôi nhất trí kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường các biện pháp nhằm hạn chế hơn nữa việc chuyển giao các phương tiện và công nghệ có liên quan cũng như hoạt động tài trợ cho các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Triều Tiên...Về vấn đề này, chúng tôi kêu gọi sớm thông qua một nghị quyết mới và toàn diện của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc".
Trong một tuyên bố chung, ba nhà lãnh đạo cũng nhất trí chia sẻ quan điểm rằng Triều Tiên, một vấn đề ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự quốc tế, đang ngày càng đặt ra "một cấp độ đe dọa mới đối với hòa bình quốc tế và an ninh". Tuyên bố kêu gọi Bình Nhưỡng cần kiềm chế các hành động mang tính khiêu khích, làm leo thăng căng thẳng trong khu vực và quốc tế.
Trước đó, trong một cuộc họp riêng với Thủ tướng Abe tại trụ sở Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Brussels, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng nhấn mạnh tính nghiêm trọng khi Triều Tiên tiếp tục tiến hành các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Ông cho rằng tất cả các vụ thử trên là sự vi phạm rõ ràng các nghị quyết của LHQ và là mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế. Quan chức này cũng kêu gọi Bình Nhưỡng phải chấm dứt các vụ thử tên lửa, từ bỏ chương trình hạt nhân và "tham gia đối thoại thực chất với cộng đồng quốc tế".
Cũng trong ngày 6/7, Văn phòng Đối Ngoại Anh thông báo đã triệu Đại sứ Triều Tiên đến để lên án vụ phóng thử tên lửa đạn đạo mới nhất của Bình Nhưỡng, đồng thời kêu gọi nước này từ bỏ việc theo đuổi chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Trong tuyên bố của mình, Bộ trưởng Văn phòng Đối ngoại Anh Mark Field (Mác Phiu) chỉ trích các hành động của Triều Tiên vi phạm trực tiếp các nghị quyết khác nhau của LHQ và là mối đe dọa đối với an ninh khu vực và quốc tế. Ông đồng thời kêu gọi chính quyền Bình Nhưỡng thay đổi chính sách và tập trung mang lại sự thịnh vượng cho người dân.
Trước đó, sáng 4/7, Triều Tiên tuyên bố đã phóng thành công một tên lửa đạn đạo liên lục địa dưới sự giám sát của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, đồng thời cảnh báo loại tên lửa này có thể tấn công vào bất cứ mục tiêu nào trên thế giới. Phía Triều Tiên tuyên bố loại ICBM này có khả năng mang theo một đầu đạn hạt nhân lớn.