Lầu Năm Góc khẳng định có thể đánh chặn ICBM Triều Tiên

Ngày 5/7, quân đội Mỹ khẳng định có thể bảo vệ nước này trước mối đe dọa mới từ ICBM của Triều Tiên, sau khi Bình Nhưỡng vừa tiến hành vụ thử tên lửa.

 Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un ngửa mặt lên trời xem phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-14 ngày 5/7. Ảnh: KCNA

Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn Lầu Năm Góc Jeff Davis nhấn mạnh Mỹ tin tưởng vào khả năng phòng thủ tên lửa đạn đạo của mình. Theo ông Davis, hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ được thiết kế gồm nhiều tầng lớp để đánh chặn nhiều loại tên lửa khác nhau ở các giai đoạn bay khác nhau.

Người phát ngôn trên cho biết Triều Tiên vừa thử nghiệm loại tên lửa mới từ một địa điểm gần sân bay Panghyon, khu vực trước đây chưa từng liên quan đến chương trình tên lửa. Ban đầu, Lầu Năm Góc cho rằng tên lửa Triều Tiên vừa thử nghiệm là loại tầm trung, song các báo cáo phân tích cập nhật sau đó cho thấy đây là loại ICBM với tầm bắn trên 5.500 km có thể vươn tới vùng Alaska của Mỹ.

Phía Washington khẳng định vụ thử ICBM của Triều Tiên gây nguy hiểm cho tàu bè gần Nhật Bản, máy bay cũng như các loại vệ tinh, dù hiện chưa rõ thiệt hại do tên lửa này gây ra. Ông Davis lưu ý Triều Tiên vẫn chưa đạt tới bước phát triển ICBM mang đầu đạn hạt nhân, nhưng rõ ràng đang hướng tới khả năng này.

Liên quan đến các hoạt động diễn tập quân sự, người phát ngôn Lầu Năm Góc cho biết Bộ Quốc phòng Mỹ không có ý định thay đổi các kế hoạch tập trận quân sự tại khu vực gần Bán đảo Triều Tiên. Trước đó ngày 4/7, Trung Quốc và Nga đã hối thúc Mỹ ngừng các hoạt động diễn tập quân sự để tránh làm kích động Triều Tiên.

Trong một diễn biến khác, ngày 6/7, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết nước này và Đức đã nhất trí tăng cường hợp tác trong việc chấm dứt tham vọng hạt nhân của Triều Tiên, đồng thời khẳng định sẽ áp dụng mọi biện pháp có thể để giải quyết vấn đề này.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đi đến thỏa thuận trên tại cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo diễn ra ở thủ đô Berlin (Đức) ngày 5/7. Hai nhà lãnh đạo nhất trí sẽ hợp tác chặt chẽ để cơ bản giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên bằng mọi biện pháp có thể, bao gồm cả đối thoại và các lệnh trừng phạt. Thủ tướng Merkel bày tỏ sự ủng hộ đối với vai trò dẫn dắt của Seoul trong những nỗ lực của quốc tế nhằm chấm dứt tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại cuộc họp báo sau cuộc gặp ngày 5/7. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Trong cuộc gặp Thủ tướng Merkel tối cùng ngày, Tổng thống Moon nói rằng vụ thử tên lửa của Triều Tiên trong tuần này cho thấy Bình Nhưỡng gần đạt được làm chủ công nghệ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), bày tỏ lo ngại chương trình tên lửa của Triều Tiên phát triển “nhanh hơn nhiều so với dự kiến”. Tuy nhiên, ông Moon chỉ rõ dù tầm bắn của tên lửa trên đã được mở rộng, nhưng độ chính xác và khả năng mang đầu đạn hạt nhân của tên lửa này vẫn còn chưa chắc chắn.

Cũng trong cuộc gặp trên, Tổng thống Moon cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải đưa ra phản ứng cứng rắn đối với vụ phóng tên lửa của Triều Tiên hôm 4/7, nhưng đồng thời thực hiện các nỗ lực nhằm "kiểm soát tình hình" để tránh làm leo thang căng thẳng trong khu vực.

Tổng thống Hàn Quốc đang có chuyến thăm 2 ngày tới Đức để tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).

TTXVN/Tin Tức
Triều Tiên có thể trở thành 'Iraq' của Tổng thống Donald Trump
Triều Tiên có thể trở thành 'Iraq' của Tổng thống Donald Trump

Thành viên Ủy ban quốc phòng Quốc hội Nga, ông Alexey Pushkov cho rằng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tìm cách tiến hành một cuộc chiến tranh giống như những người tiền nhiệm với việc đang tổ chức cuộc tập trận gần Bán đảo Triều Tiên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN