Theo phóng viên TTXVN tại Washington, phát biểu trước khi khởi hành tới bang Texas, Tổng thống Trump gọi kế hoạch luận tội của phe Dân chủ tại Hạ viện là phần tiếp theo của "cuộc săn phù thủy lớn nhất trong lịch sử chính trị". Ông Trump cũng khẳng định bài phát biểu của ông trước hàng nghìn người ủng hộ vào tuần trước, khuyến khích họ tuần hành tới trụ sở Quốc hội, là "hoàn toàn phù hợp" và không liên quan tới vụ bạo loạn xảy ra sau đó.
Trước đó, đảng Dân chủ cáo buộc Tổng thống Trump kích động biểu tình khi ngày 6/1 kêu gọi những người ủng hộ ông tiến về phía Đồi Capitol trong khi lưỡng việnMỹ tổ chức phiên họp chung nhằm kiểm đếm phiếu bầu của đại cử tri. Những người biểu tình quá khích ủng hộ Tổng thống Trump đã xông vào tòa nhà Quốc hội nhằm ngăn chặn việc chứng nhận chiến thắng của ông Joe Biden. Vụ biểu tình biến thành bạo loạn khiến cảnh sát phải nổ súng và 5 người đã thiệt mạng.
Phe Dân chủ tại Hạ viện sau đó gây sức ép buộc Phó Tổng thống Mike Pence kích hoạt Tu chính án thứ 25 để phế truất Tổng thống Trump, nếu không họ sẽ bắt đầu phiên bỏ phiếu luận tội ông chủ Nhà Trắng vào tối 12/1 (giờ Mỹ, sáng 13/1 theo giờ Việt Nam). Nội dung Tu chính án thứ 25 cho phép loại bỏ tổng thống nếu phó tổng thống và đa số nội các tuyên bố tổng thống không còn đủ khả năng đảm nhận chức vụ. Hai viện quốc hội cần xem xét và thông qua việc này với số phiếu ủng hộ quá bán.
Tuy nhiên, ngày 12/1, Phó Tổng thống Pence đã thông báo với Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi rằng ông sẽ không viện dẫn Tu chính án 25 để phế truất Tổng thống Trump. Trong thư gửi bà Pelosi, ông Pence cho biết ông "sốc và buồn" về vụ bạo loạn xảy ra hồi tuần trước tại Đồi Capitol song sẽ không đáp ứng yêu cầu của bà Pelosi nhằm phế truất Tổng thống Trump, bởi điều này sẽ không mang lại "lợi ích tốt nhất cho đất nước của chúng ta hoặc phù hợp với Hiến pháp". Cũng theo ông Pence, việc phế truất Tổng thống Trump thông qua Tu chính án 25 sẽ tạo tiền lệ xấu, làm gia tăng chia rẽ và "thổi bùng giận dữ vào thời điểm này".
Liên quan tới vụ bạo loạn tại Đồi Capitol hồi tuần trước, giới chức Mỹ ngày 12/1 cho biết có thể sẽ bắt giữ hàng trăm đối tượng liên quan, trong đó một số đối tượng có thể bị buộc tội gây bạo loạn.
Phát biểu họp báo, Trưởng công tố thủ đô Washington Michael Sherwin nêu rõ hiện hơn 70 đối tượng đã bị buộc tội và con số này đang có xu hướng tăng lên hàng trăm người. Trong khi đó, người đứng đầu văn phòng Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) tại Washington - ông Steven D'Antuono, cho hay đến nay cơ quan này đã mở cuộc điều tra về hơn 160 trường hợp liên quan.
Trong bối cảnh Washington đang siết chặt an ninh trước thềm lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden, cùng ngày 12/1, Liên hợp quốc (LHQ) đã kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị, trong đó có Tổng thống Trump, hạn chế các hành động có thể gây kích động bạo lực. Người phát ngôn của Tổng thư ký LHQ, ông Stephane Dujarric, bày tỏ hy vọng rằng sẽ không có bạo lực trước hoặc trong lễ nhậm chức của ông Biden vào ngày 20/1 tới.
Trước đó, FBI đã cảnh báo về các cuộc cuộc biểu tình bạo lực đang được lên kế hoạch ở thủ đô Washington và 50 thành phố thủ phủ của Mỹ trước lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Biden. Trước nguy cơ này, Nhà Trắng ngày 11/1 thông báo Tổng thống Trump đã cho phép ban bố tình trạng khẩn cấp đối với thủ đô Washington, có hiệu lực tới ngày 24/1.