Truyền thông Mỹ đưa tin Phó Tổng thống Mike Pence đã thông báo với Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi rằng ông sẽ không sử dụng Tu chính án 25 để phế truất Tổng thống Trump.
Tuyên bố này đã phá tan sự im lặng và những đồn đoán mấy ngày qua về khả năng Nội các Mỹ có thể vận dụng 1 tu chính án chưa bao giờ được áp dụng nhằm hạ bệ người đứng đầu nhánh hành pháp.
Trong lá thư gửi bà Pelosi, Phó Tổng thống Pence đã chính thức khước từ lời kêu gọi của các Hạ nghị sĩ Dân chủ áp dụng Tu chính án 25, đồng thời cảnh báo rằng việc vận dụng điều luật theo hướng này sẽ “tạo tiền lệ khủng khiếp”.
Lá thư có đoạn viết: “Tôi hối thúc bà và tất cả thành viên Quốc hội tránh những hành động gây chia rẽ và ‘đổ thêm dầu vào lửa’ hơn nữa những cảm xúc giận dữ hiện nay… Hãy hợp tác với chúng tôi để hạ nhiệt và đoàn kết đất nước của chúng ta trong bối cảnh chúng ta đang chuẩn bị cho lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden. Tôi cam kết với bà rằng bản thân sẽ tiếp tục làm phần việc của mình với niềm tin lớn đặt vào chính quyền sắp tới nhằm đảm bảo một quá trình chuyển giao quyền lực trong trật tự”.
Phó Tổng thống Mỹ Pence nhấn mạnh Tu chính án 25 không phải là công cụ để trừng phạt, cho rằng điều khoản bổ sung của Hiến pháp Mỹ nói trên cần phải được căn cứ theo quyết định y khoa, như chính Chủ tịch Hạ viện Pelosi từng nói, “chứ không phải là phán quyết dựa trên một bình luận hay một cách hành xử mà chúng ta không thích”.
Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh chính trường Mỹ đang "dậy sóng" sau vụ người biểu tình ủng hộ Tổng thống Trump bao vây và tràn vào tòa nhà Quốc hội Mỹ hôm 6/1 để ngăn chặn phiên họp đặc biệt của lưỡng đảng kiểm phiếu bầu đại cử tri, qua đó xác nhận chiến thắng của ông Joe Biden trong cuộc bầu cử năm 2020.
Hàng loạt nghị sĩ Dân chủ, một số nhà lập pháp Cộng hòa đã lên tiếng qui trách nhiệm rằng Tổng thống Trump thông qua trang mạng Twitter đã bình luận và kích động người biểu tình, dẫn tới vụ bạo loạn nghiêm trọng nhất trong hơn 100 năm qua tại Quốc hội Mỹ. Chủ tịch Hạ viện Pelosi đã hối thúc Phó Tổng thống Pence kích hoạt Tu chính án 25 để phế truất ông Trump khỏi Nhà Trắng ngay trước khi nhiệm kỳ hiện nay kết thúc vào ngày 20/1 tới.
Tuy nhiên, Lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện Mỹ, Hạ nghị sĩ hàng đầu của đảng Cộng hòa Kevin McCarthy đã phản đối những nỗ lực mới đây nhằm luận tội Tổng thống Trump, nhấn mạnh rằng động thái này sẽ chỉ khiến nước Mỹ “chia rẽ sâu sắc hơn”.
Hạ nghị sĩ McCarthy - một trong những đồng minh trung thành và có uy tín của Tổng thống Trump tại Quốc hội Mỹ - cho biết đã gặp Tổng thống đắc cử Joe Biden, cũng như lên kế hoạch “thảo luận với ông Biden về cách thức mà chúng ta phải hợp tác cùng nhau để hạ nhiệt căng thẳng và đoàn kết đất nước nhằm giải quyết những thách thức của Mỹ”.
Cơ sở cho ý tưởng trên của nhóm nghị sĩ, quan chức và cựu quan chức Mỹ là căn cứ theo Mục 4 trong Tu chính án thứ 25 của Hiến pháp Mỹ, thông qua vào năm 1967. Nội dung gốc của Hiến pháp Mỹ đề cập tới vấn đề năng lực cầm quyền của tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, Hiến pháp gốc lại không chỉ rõ như thế nào là mất năng lực.
Cụ thể, Mục 4 Tu chính án thứ 25 quy định khi Phó Tổng thống và đa số bộ trưởng trong nội các tuyên bố rằng Tổng thống "không thể đảm trách các quyền lực và nhiệm vụ của mình do bị vấn đề về sức khỏe hay tinh thần", thì Phó Tổng thống sẽ trở thành "Quyền Tổng thống" cho đến khi Tổng thống, sau một quy trình phức tạp, được tuyên bố là đảm bảo trở lại cương vị.
Nếu kích hoạt Tu chính án 25 việc đầu tiên Phó Tổng thống Mike Pence và đa số nội các cần làm là gửi cho quyền Chủ tịch Thượng viện Mỹ Chuck Grassley và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi một tuyên bố bằng văn bản rằng Tổng thống Trump không có khả năng đảm đương quyền lực và nhiệm vụ.
Sau nhận được một đề xuất chính thức bằng văn bản như vậy, Quốc hội Mỹ sẽ phải họp trong vòng 48 giờ và bỏ phiếu trong vòng 21 ngày để đưa ra quyết định. Nếu 2/3 thành viên của cả Hạ viện và Thượng viện đồng ý rằng ông Trump không thể tiếp tục làm tổng thống, ông sẽ bị tước quyền lực và Phó Tổng thống Pence sẽ kế nhiệm.