Theo đài RT (Nga), phát biểu với các phóng viên hôm 12/7, khi được hỏi liệu ông có còn khả năng “đối phó” với Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong vài năm nữa hay không, ông Biden trả lời: “Tôi đã sẵn sàng giải quyết với họ ngay bây giờ”.
Ông chủ Nhà Trắng lưu ý rằng ông vẫn duy trì liên lạc với ông Tập. Tuy nhiên, khi đề cập đến nhà lãnh đạo Nga, ông Biden cho biết ông không có lý do chính đáng để nói chuyện với ông Putin vào lúc này.
“Ông ấy không sẵn sàng làm gì nhiều để thích ứng với bất kỳ thay đổi nào trong hành vi của mình”, ông Biden nói khi đề cập đến cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, đồng thời nhấn mạnh: “Tôi chưa sẵn sàng nói chuyện với Putin trừ khi ông ây sẵn sàng thay đổi hành vi của mình”.
Tuy nhiên, Tổng thống Biden sau đó cho biết ông sẵn sàng hợp tác với “bất kỳ nhà lãnh đạo nào muốn nói chuyện”, bao gồm cả ông Putin.
Ông Biden kể lại rằng lần gần nhất hai người trò chuyện trực tiếp là thảo luận về một thỏa thuận kiểm soát vũ khí liên quan đến vũ khí hạt nhân trong không gian.
“Cuộc thảo luận đó đã không đi xa lắm”, ông cho biết thêm.
Cuộc điện đàm gần đây nhất giữa ông Biden và người đồng cấp Putin diễn ra vào cuối tháng 12/2021, vài tuần trước khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, khiến quan hệ song phương giảm mạnh xuống mức thấp nhất kể từ Chiến tranh Lạnh.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hồi tháng trước cho biết Nga sẵn sàng đàm phán với Mỹ nhưng chỉ khi cuộc đối thoại đó “toàn diện” và không chỉ bao gồm các vấn đề kiểm soát vũ khí mà còn cả về xung đột Ukraine.
“Không thể loại bỏ bất kỳ phân đoạn riêng lẻ nào khỏi tổng thể phức tạp của các vấn đề tích tụ”, ông Peskov nói và thừa nhận rằng cả hai bên cần tham gia để giải quyết các vấn đề ngày càng gia tăng trong cấu trúc an ninh toàn cầu.