Theo tờ Politico, bài phát biểu mở đầu ba ngày họp cấp cao của NATO được coi là một bài kiểm tra về chính trị và địa chính trị đối với Tổng thống Biden. Với bài phát biểu lần này, ông chủ Nhà Trắng phải chứng minh rằng tuổi tác chỉ là một con số và màn thể hiện có phần kém thuyết phục trong vòng tranh luận đầu tiên trước cựu Tổng thống Donald Trump chỉ là sự cố. Bên cạnh đó, tại lần xuất hiện trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh NATO tuần này, Tổng thống Biden mang trong mình mục tiêu phải chứng minh ông vẫn có thể tập hợp các đồng minh vì mục tiêu lâu dài của Ukraine.
“Ukraine có thể và sẽ ngăn chặn được Nga. Nga sẽ không giành chiến thắng, mà là Ukraine”, Tổng thống Biden kiên định phát biểu tại khán phòng Mellon ngày 9/7. Khác hẳn với những lần ngập ngừng trước đây, lời nói của nhà lãnh đạo Mỹ rõ ràng và mạnh mẽ, tỏ ra tràn đầy năng lượng, cam kết với chủ nghĩa xuyên Đại Tây Dương mà ông đã theo đuổi trong suốt sự nghiệp chính trị của mình.
Cũng trong bài phát biểu, Tổng thống Biden đã tận dụng cơ hội này để thông báo về việc chuyển giao hệ thống phòng không mới cho Ukraine, một trong những yêu cầu hàng đầu của Kiev đối với hội nghị thượng đỉnh NATO. Mỹ và bốn đồng minh NATO, bao gồm Hà Lan, Đức, Italy, Romania – trong năm nay sẽ gửi bốn hệ thống phòng không Patriot và một hệ thống SAMP/T. Trong những tháng tới, Washington và các đối tác cũng sẽ cung cấp thêm hàng chục hệ thống phòng không chiến thuật để tăng cường an ninh cho Ukraine và dự kiến đưa ra thông báo tương tự vào cuối năm nay.
Trong một tuyên bố chung được đưa ra ngay sau bài phát biểu của Tổng thống Biden, tổng thống và các nhà lãnh đạo Hà Lan, Đức, Italy, Romania và Ukraine cho biết: “Thông điệp của chúng tôi gửi tới Moskva và thế giới rất rõ ràng: Sự ủng hộ của chúng tôi dành cho Ukraine là mạnh mẽ và không lay chuyển”.
Động thái trên đã kết thúc nhiều tháng Ukraine kêu gọi các đồng minh cung cấp các hệ thống phòng không của phương Tây.
Trước đó, một số quốc gia không muốn chuyển giao các loại vũ khí phòng thủ phức tạp, ít nhất là trước khi tìm ra cách thay thế chúng.
Việc tăng cường phòng không là ưu tiên hàng đầu của Ukraine trong bối cảnh kho vũ khí vượt trội của Nga cho phép nước này tấn công các thành phố và các mục tiêu quân sự quan trọng. Ngày 8/7, Nga đã áp đảo lực lượng phòng thủ của Ukraine, tiến hành cuộc tấn công vào một trong những bệnh viện lớn nhất châu Âu.
Phản ứng trước động thái đồng hành mới nhất của Mỹ, Andriy Yermak, người đứng đầu văn phòng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy, nói với các phóng viên rằng ông hoan nghệnh đất nước sẽ nhận được nhiều hỗ trợ hơn. Tuy nhiên, thời gian chuyển giao bị trì hoãn vẫn luôn là một vấn đề nan giải.
Trong tuần này, Tổng thống Biden sẽ tiếp tục trở thành tâm điểm với một lịch trình bận rộn. Nhà lãnh đạo được cho là sẽ tận dụng những ngày sắp tới để trấn an các đồng minh NATO và các thành viên đảng Dân chủ trong nước rằng ông sẵn sàng đánh bại đối thủ Trump. Tổng thống Biden cho biết hội nghị thượng đỉnh là một cơ hội tốt để đánh giá khả năng của ông và chỉ ra khả năng lãnh đạo của ông trong việc tập hợp sự hỗ trợ của NATO cho Ukraine là bằng chứng cho thấy ông sẵn sàng để phục vụ nước Mỹ thêm 4 năm nữa.
Với nguy cơ ông Trump trở lại nắm quyền rình rập, Tổng thống Biden đã nhiều lần nhấn mạnh cam kết với NATO, đồng thời cảnh báo cử tri rằng người tiền nhiệm sẽ từ bỏ liên minh này nếu ông trở lại Nhà Trắng.
Về phần mình, không giống như năm 2016, các đồng minh NATO đang tích cực chuẩn bị để ứng phó với sự trở lại của chính quyền Donald Trump vốn luôn hoài nghi về NATO. Các quan chức NATO đang tăng cường sản xuất vũ khí, tham khảo ý kiến các cố vấn của ông Trump và tổ chức các cuộc họp để chuẩn bị cho sự trở lại của cựu tổng thống, cùng với đó là cách tiếp cận lấy nước Mỹ là trên hết và bày tỏ thái độ hoài nghi sâu sắc đối với châu Âu.