Binh sĩ quân đội Chính phủ Syria sau khi giành lại quyền kiểm soát thành phố Aleppo ngày 23/12. Ảnh: EPA/TTXVN |
Thông tin này được đưa ra sau khi Tổng thống Putin xác nhận chính quyền Syria và quân nổi dậy đã ký thỏa thuận ngừng bắn và nhất trí khởi động các cuộc hòa đàm.
Theo tuyên bố của Điện Kremlin, hai nhà lãnh đạo cũng đã nhất trí rằng việc tổ chức đàm phán về tương lai Syria tại thủ đô Astana của Kazakhstan sẽ là một bước đi quan trọng hướng tới giải pháp cuối cùng cho cuộc khủng hoảng ở quốc gia Trung Đông này.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã có những cuộc điện đàm riêng rẽ với hai người đồng cấp Mevlut Cavusoglu của Thổ Nhĩ Kỳ và Javad Zarif của Iran để thảo luận về cuộc đàm phán ở Astana.
Trong diễn biến liên quan, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho rằng thỏa thuận ngừng bắn ở Syria đang mở ra một cơ hội không nên bị bỏ phí. Ông đồng thời khẳng định thỏa thuận này không áp dụng với các tổ chức khủng bố và Ankara sẽ đẩy mạnh chiến dịch quân sự nhằm truy quét phiến quân IS tại khu vực biên giới phía Bắc Syria.
Trước đó, Tổng thống Putin xác nhận chính quyền Syria và quân nổi dậy đã ký thỏa thuận ngừng bắn và nhất trí khởi động các cuộc hòa đàm. Ông Putin cũng loan báo giảm các lực lượng của Nga trên lãnh thổ Syria, đồng thời khẳng định Moskva sẽ tiếp tục ủng hộ Tổng thống Assad.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng lệnh ngừng bắn do Nga và Thổ Nhĩ Kỳ dàn xếp tại Syria là một diễn biến tích cực và Washington hy vọng thỏa thuận này sẽ được tất cả các bên tôn trọng và thực thi đầy đủ.
Tổ chức giám sát nhân quyền Syria (SOHR) đánh giá các bên giao tranh dường như đã ngừng bắn trên toàn Syria sau khi lệnh ngừng bắn bắt đầu có hiệu lực vào 0h ngày 30/12 (22h GMT ngày 29/12).
Theo SOHR, đã có một số vụ bắn pháo xung quanh Aleppo và bên trong một khu vực gần thủ đô Damascus ngay trước khi lệnh ngừng bắn do Nga và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian có hiệu lực.
Tham gia thỏa thuận ngừng bắn ở Syria có các lực lượng chính phủ và 7 nhóm vũ trang đối lập với khoảng 60.000 tay súng. Tuy nhiên, quân đội Syria lưu ý việc dừng chiến dịch quân sự không bao gồm cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) và các tay súng thuộc Mặt trận Al-Nusra có liên hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda. Giới phân tích quốc tế nhận định đây có thể là bước ngoặt quan trọng trong cuộc chiến Syria kéo dài gần 6 năm qua.