Syria đứng trước cơ hội để chấm dứt cuộc nội chiến đã kéo dài gần 6 năm. |
Chia sẻ với Sputnik những bình luận về thỏa thuận ngừng bắn ở Syria vừa đạt được giữa chính quyền Syria và phe đối lập dưới sự bảo đảm của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, nhà khoa học chính trị Thổ Nhĩ Kỳ Emre Ersen, giảng viên Khoa Khoa học Chính trị và Quan hệ Quốc tế của Đại học Marmara tại thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết đây là một thỏa thuận vô cùng quan trọng bởi là kế hoạch duy nhất hiện nay về vấn đề này.
Theo ông Ersen, thế giới cần cẩn trọng và kiên nhẫn theo dõi những diễn biến mới nhất liên quan vấn đề
thỏa thuận ngừng bắn Syria. “Thổ Nhĩ Kỳ và Nga gần đây phối hợp chặt chẽ trên mặt đất ở Syria và thỏa thuận mới là kết quả của quá trình này. Tuy nhiên chúng ta nên nhớ rằng những kế hoạch tương tự về Syria trong quá khứ đã thất bại. Do đó, chúng ta có thể sẽ cần thời gian để xem liệu bản kế hoạch mới này có thành công về mặt dài hạn không”, ông nói.
Giải thích về sự thất bại của Mỹ trong những nỗ lực hòa đàm về Syria trước đây, ông Ersen cho biết: “Chúng ta biết rằng Mỹ cung cấp sự hỗ trợ quân sự cho một số nhóm ở Syria nhưng ngay từ thời điểm bắt đầu chưa bao giờ thực sự muốn dính líu sâu vào cuộc xung đột ở Syria. Điều này theo thời gian đã làm suy yếu nghiêm trọng vai trò của nước này trên bàn đàm phán ngoại giao”.
Trong khi đó, những chướng ngại không hề nhỏ có thể dẫn đến thất bại của nỗ lực mới đến từ nhiều bất đồng lớn giữa Ankara và Moskva liên quan đến giải pháp cuối cùng ở Syria. Theo ông Ersen, Thổ Nhĩ Kỳ chống lại việc Tổng thống Syria Bashar al-Assad có vai trò trong quá trình chuyển giao quyền lực ở quốc gia này, trong khi Nga tin rằng ông Assad sẽ tại vị.
Bên cạnh đó, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ còn có những cách tiếp cận khác nhau về việc định nghĩa các tổ chức khủng bố ở Syria. Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng các lực lượng người Kurd phải bị xem là tổ chức khủng bố. Trong khi đó, Nga coi ưu tiên phải là cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và Jabhat Fateh al-Sham (tiền thân là Mặt trận al-Nusra).
Theo ông, nếu Nga tấn công vào Idlib, hiện là thành trì của các nhóm đối lập ở Syria được Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ, điều này có thể gây ra sự rạn nứt nghiêm trọng giữa Ankara và Moskva. Ít nhất là trong ngắn hạn, tất cả những vấn đề trên hoàn toàn có thể là những chướng ngại không hề nhỏ cho thỏa thuận ngừng bắn mới.
Tổng thống Vladimir Putin (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu trong cuộc họp tại Điện Kremlin ở Moskva ngày 29/12. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ngoài ra, theo nhà khoa học Ersen, có nhiều quốc gia khác và các nhân tố không phải quốc gia khác có vai trò trong cuộc xung đột Syria. Việc những quốc gia này và các nhân tố này đón nhận quá trình mới này như thế nào cũng đóng một vai trò thiết yếu tới sự thành bại của thỏa thuận này.
Bình luận về vai trò quan trọng của Iran khi tham gia vào tiến trình này cũng như cuộc gặp ba bên giữa Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran tại thủ đô Moskva, ông Ersen nói: “Việc Iran cũng tham gia vào quá trình mới này, ngoài Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, là đặc biệt quan trọng. Chúng ta nên nhớ rằng sự hợp tác ba bên này đã rất hữu hiệu trong việc giải quyết khủng hoảng Aleppo”, ông nói.
Theo ông, Nga và Iran đã cùng nhau giải quyết cuộc khủng hoảng Syria ngay từ đầu. Tuy nhiên, việc có thêm sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ cũng rất quan trọng bởi Thổ Nhĩ Kỳ và Iran là hai cường quốc tại Trung Đông.
Sự hợp tác của hai nước này có thể tạo ra kết quả quan trọng không chỉ cho giải pháp chấm dứt xung đột Syria mà còn cho những vấn đề lớn khác ở Trung Đông như quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với Iraq và cuộc tranh chấp Israel-Palestine. Do đó, với việc Nga giám sát quá trình này, đây là một bước đi đúng hướng.
Nhận định về việc Iraq có thể tham gia bộ ba này, nhà phân tích chính trị Ersen chỉ ra rằng từ năm ngoái, Iraq vốn đã bắt đầu hợp tác chặt chẽ với Iran, Nga và chính quyền Assad. Ông lấy ví dụ Iraq đã thành lập một trung tâm thông tin ở thủ đô Baghdad để điều phối nỗ lực chống chủ nghĩa khủng bố.
Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq đang phức tạp do sự hiện diện của binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ ở trại Bashiqa gần thành phố Mosul. “Dẫu vậy Nga có thể đóng vai trò sửa chữa các mối quan hệ giữa Baghdad và Ankara”, ông Ersen nói.
Chỉ ra một hướng giải quyết để tạo ra một cái bắt tay giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq, ông Ersen cho rằng: “Thổ Nhĩ Kỳ có một số quan ngại về tương lai của Mosul. Và nếu chính quyền Baghdad có thể đạt được đồng thuận với Ankara về vấn đề này, điều này có thể mở đường cho một sự phát triển quan hệ ba bên mới giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq và Iran, việc chắc chắn sẽ tác động mạnh tới sự thay đổi của cân bằng địa chính trị ở Trung Đông”.
Binh sĩ Syria tuần tra tại thị trấn al-Bab ngày 3/12. Ảnh: AP/TTXVN |
Bàn về thông điệp thỏa thuận ngừng bắn mới do Nga – Thổ bảo trợ gửi tới phương Tây, ông Ersen nói: “Hiện nay, chúng ta biết rằng Mỹ và Liên hợp quốc gần như nằm ngoài tiến trình thỏa thuận ngừng bắn mới và tôi không nghĩ rằng họ sẽ lấy làm vui vẻ vì điều này. Đặc biệt là khi Thổ Nhĩ Kỹ là một thành viên của [Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương] NATO”.