Tokyo hy vọng Moskva sẽ quay trở lại G-8

Tuy là một thành viên của G-8, song nhà chức trách Nhật Bản không những không vội vàng thi hành các biện pháp trừng phạt kinh tế chống Nga, mà thậm chí quốc gia này còn trông đợi Moskva sẽ nhanh chóng trở lại là một thành viên quan trọng của "câu lạc bộ" G-8.

Báo Độc lập (Nga) ngày 26/3 dẫn lời Bộ trưởng Chính sách Kinh tế và Tài chính Nhật Bản Akira Amari bày tỏ tin tưởng rằng G-8 chưa thể tan rã mà sẽ trở lại với nhau trên bước đường cùng chung chí hướng, tiến tới xây dựng một tương lai kinh tế phồn thịnh.
 

Bộ trưởng Chính sách Kinh tế và Tài chính Nhật Bản Akira Amari nhận định G-8 sẽ sớm trở lại cùng nhau. Ảnh: Reuters

  
Bên cạnh tuyên bố trên của ông Amari, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga ngày 25/3 cũng đưa ra lời hứa rằng Nhật Bản sẽ viện trợ 1,5 tỷ USD cho Kiev. Như vậy, từ hai động thái trên của các quan chức Nhật Bản, có thể thấy rõ, một mặt chính quyền Nhật Bản buộc phải tham gia áp dụng các biện pháp trừng phạt chống lại Nga, vốn được áp đặt bởi Washington, song mặt khác Tokyo đồng thời cũng cố gắng hết sức nhằm giảm nhẹ bản chất không thể đảo ngược của hành động trừng phạt này.
   
Ông Akira Amari cũng tìm cách biện minh cho tình thế của Nhật Bản khi tham gia cuộc họp, bên lề Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân tại La Haye, thông qua quyết định không tham dự Hội nghị thượng đỉnh G-8 tại Sochi vào tháng 6 tới. Từ động thái trên của Nhật Bản, có thể thấy tuy G-7 đã đồng lòng tuyên bố sẽ nhóm họp tại Brussels không có Nga, song có vẻ như nội tình G-7 chưa thực sự sẵn sàng gạt bỏ vai trò của thành viên thứ tám này. Điều này đã được chính quan chức Nhật Bản Akira Amari nói rõ khi đề xuất nên khôi phục sự tham gia của Nga vào "câu lạc bộ" G-8, nếu như lúc này các bên có thể tìm kiếm được giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine.
  
Bộ trưởng Chính sách Kinh tế và Tài chính Nhật Bản Akira Amari khẳng định: "Nga đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì trật tự thế giới và tôi mong muốn nước này khôi phục vị thế thành viên của mình trong G-8". Ông Amari cũng đánh giá trong giai đoạn hiện nay, việc đẩy Nga ra khỏi G-8 cũng như áp đặt trừng phạt kinh tế Nga, chỉ có thể tác động rất ít tới nền kinh tế Nhật Bản, song không thể loại trừ sự leo thang xung đột có thể đẩy mối quan hệ thương mại song phương Nga - Nhật tới những thiệt hại lớn hơn.
   
Trong khi đó, phát biểu cùng ngày 25/3, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga khẳng định Tokyo đang nỗ lực hết sức tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho vấn đề Ukraine. Để làm được điều này, nhà chức trách Nhật Bản sẽ không chỉ duy trì phối hợp chặt chẽ với G-7, mà còn duy trì đối thoại với Nga. Theo ông, quyết định được thông qua tại La Haye không có nghĩa là Moskva sẽ mãi mãi bị loại khỏi G-8. Ngược lại, G-7 thực chất đang muốn đẩy Nga phải tìm kiếm các giải pháp ngoại giao cho vấn đề Ukraine.
   
Trở lại các sự kiện thời gian qua, ngày 18/3, chính phủ Nhật Bản đã thông qua một số biện pháp trừng phạt Nga liên quan các hành động của nước này tại Crimea, cụ thể Tokyo đã đình chỉ tham vấn đơn giản hóa thủ tục cấp thị thực cho công dân hai nước, ngừng xúc tiến các cuộc đàm pháp mới về hợp tác đầu tư, hợp tác chinh phục vũ trụ, cũng như hợp tác phòng ngừa các hoạt động quân sự nguy hiểm.
   
Ngoài ra nhiều kế hoạch giữa Nga và Nhật Bản được đề ra trước đó cũng có thể bị xem xét hủy bỏ hoặc thay đổi lịch trình thực hiện, trước hết trong đó bao gồm cả kế hoạch chuyến thăm Nhật Bản vào mùa thu này của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
   
Tuy nhiên, có một điểm nổi bật cần nhấn mạnh, đó là việc chính quyền Nhật Bản không hề công bố trừng phạt bất kỳ một chính trị gia người Nga nào. Trong những ngày này, một nhóm các nhà khoa học Nga vẫn có mặt tại Nhật Bản, tham dự một hội thảo khoa học, trong đó có cả những nhân vật có tên trong "Danh sách đen" của Mỹ và Phương Tây.
   
Có thể thấy rõ Nhật Bản mặc dù không thể coi nhẹ các yêu cầu trừng phạt Nga từ phía đồng minh Mỹ của họ, song mặt khác nước này cũng đang hết sức cố gắng tránh áp đặt các biện pháp có thể làm tổn hại quan hệ song phương với Nga, trước hết trong các lĩnh vực kinh tế-thương mại.


Quế Anh

Nga: G-7 từ chối hợp tác sẽ 'phản tác dụng'
Nga: G-7 từ chối hợp tác sẽ 'phản tác dụng'

Việc G-7 từ chối hợp tác với Nga sẽ là "phản tác dụng". Đây là tuyên bố do người phát ngôn của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov, đưa ra ngày 25/3.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN