Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 621.346 ca tử vong trong tổng số 34.599.187 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 403.700 ca tử vong trong số 30.646.552 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 525.229 ca tử vong trong số 18.792.511 bệnh nhân.
Tính theo tỷ lệ dân số, Peru là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 587 người tử vong. Tiếp đến là Hungary với 311 người và Bosnia-Herzegovina với 295 người/100.000 dân.
Xét theo khu vực, Mỹ Latinh và Caribe hiện có trên 1,2 triệu ca tử vong trong trên 38 triệu ca nhiễm. Tiếp đến là châu Âu, có trên 54,9 triệu người mắc COVID-19, trong đó có trên 1,1 triệu ca tử vong. Bắc Mỹ có trên 631.900 ca tử vong trong trên 35,1 triệu ca nhiễm. Châu Á ghi nhận trên 588.800 ca tử vong trong trên 40,7 triệu ca nhiễm. Trung Đông có trên 151.800 ca tử vong, châu Phi ghi nhận trên 147.000 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại Dương là trên 1.100 người.
Trong ngày 6/7, Malaysia ghi nhận thêm 7.654 ca mắc COVID-19 và 103 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc và tử vong vì dịch bệnh lần lượt là 792.693 ca và 5.677 ca. Trong 24 giờ qua, thủ đô Kuala Lumpur đã ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao nhất từ trước đến nay khi có tới 1.550 người dương tính với virus SARS-CoV-2. Đến nay, thành phố gần 8 triệu dân này đã phát hiện tổng cộng 82.904 ca mắc COVID-19, cao thứ hai sau bang công nghiệp Selangor với trên 265.000 ca.
Lào cùng ngày ghi nhận 55 ca mắc mới COVID-19, trong đó có đến 54 ca là người lao động nhập cảnh về nước từ Thái Lan được cách ly ngay và chỉ có một ca trong cộng đồng tại tỉnh Viêng Chăn. Dù số ca lây nhiễm trong cộng đồng có xu hướng giảm, tuy nhiên để đảm bảo hiệu quả phòng bệnh, Bộ Y tế Lào tiếp tục vận động người dân tiêm đủ hai mũi vaccine. Tính đến ngày 3/7, tại Lào, khoảng 942.835 người là nhân viên y tế tuyến đầu, người trên 60 tuổi, nhân viên làm việc tại các điểm nhập cảnh vào Lào và tại các trung tâm kiểm dịch, cũng như nhân viên ngoại giao đã được tiêm một mũi vaccine, trong khi 587.832 người đã được tiêm đủ hai mũi.
Bộ Y tế Campuchia xác nhận có thêm 935 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua (bao gồm cả 155 ca nhập cảnh), nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này kể từ khi dịch bùng phát vượt mốc 56.000 ca còn số ca tử vong ở mức cao thứ hai từ đầu dịch với 31 người tử vong. Tới nay đã có tổng cộng 779 người không qua khỏi vì COVID-19 tại quốc gia này.
Trong khi đó, Philippines thông báo có thêm 4.114 ca mắc mới COVID-19, nâng số ca mắc ở quốc gia Đông Nam Á này lên 1.445.832 ca. Số ca tử vong cũng tăng lên 25.296 ca sau khi có thêm 104 bệnh nhân không qua khỏi. Philippines đã phát hiện các ca nhiễm biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 trong các mẫu bệnh phẩm của công dân trở về nước và từng đến Saudi Arabia. Với việc phát hiện thêm hai ca mắc biến thể Delta, số ca nhiễm biến thể này tại Philippines đã lên tới 19 ca. Trong khi đó, số ca nhiễm biến thể Alpha ở Philippines là 1.217, còn số ca nhiễm biến thể Beta đã tăng lên 1.386 ca.
Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) ngày 6/7 cho biết nước này đã ghi nhận thêm 325 ca mắc 4 biến thể chính của virus SARS-CoV-2, trong đó có 153 ca nhiễm biến thể Delta có khả năng lây lan mạnh. Hiện tổng số ca nhiễm các biến thể ở Hàn Quốc đã lên tới 2.817 ca, trong đó số ca nhiễm biến thể Delta là 416 ca. Trong số các ca nhiễm những biến thể mới nói trên, 168 ca nhiễm biến thể Alpha được phát hiện đầu tiên tại Anh, 153 ca nhiễm biến thể Delta phát hiện từ Ấn Độ và 4 ca nhiễm biến thể Gamma từ Brazil.
KDCA cảnh báo Hàn Quốc đang đứng trước nguy cơ có thêm nhiều ca nhiễm biến thể Delta. Cơ quan này cũng đưa ra dự báo rằng tính đến hết tháng 8 tới sẽ có tới 90% số ca mắc mới ở châu Âu và Mỹ nhiễm biến thể Delta. Tính đến nay, Hàn Quốc đã hoàn tất việc tiêm mũi thứ 1 vaccine ngừa COVID-19 cho tổng cộng 15,4 triệu người, tương đương 30% dân số trong khi 5,32 triệu người đã được tiêm chủng đầy đủ, chiếm 10,5% dân số.
Trong khi đó, chính quyền thủ đô Tokyo của Nhật Bản thông báo có 593 ca nhiễm mới, tiếp tục đà tăng trong bối cảnh chỉ còn 2 tuần nữa sẽ diễn ra Olympic và Paralympic Tokyo. Số ca bệnh trung bình trong một tuần tại Tokyo hiện là 602,3 ca/ngày, trên mức 500 ca/ngày mà chính phủ đánh giá là mức nguy hiểm thứ 4 trên thang đánh giá mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh gồm 4 cấp độ.
Chính phủ Nhật Bản thông báo sẽ siết chặt kiểm soát biên giới đối với du khách tới từ một số nước, trong đó có Indonesia, Kyrgyzstan và Zambia, nhằm ngăn chặn sự lây lan các biến thể mới lây lan nhanh chóng của virus SARS-CoV-2. Trong một số sửa đổi đối với các biện pháp kiểm soát biên giới có hiệu lực từ ngày 9/7, du khách tới từ các quốc gia trong danh sách sẽ được yêu cầu cách ly tại các cơ sở được chỉ định trong thời gian lâu hơn và phải xét nghiệm COVID-19 nhiều lần. Những người đến từ Zambia sẽ phải cách ly 10 ngày, trong khi thời gian cách ly đối với du khách Indonesia và Kyrgyzstan sẽ tăng lần lượt ở các mức hiệu tại 6 ngày và 3 ngày lên thành 10 ngày. Du khách tới từ Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) sẽ tăng thời gian cách ly từ 3 lên 6 ngày.
Tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến nghiêm trọng tại Nga. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 23.378 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 5.658.672 người. Trong khi đó, số ca tử vong ghi nhận theo ngày cũng ở mức cao nhất từ trước đến nay - 737 ca, đưa tổng số người không qua khỏi đại dịch lên 139.316 trường hợp.
Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) của Đức thông báo cơ quan này sẽ điều chỉnh phân loại 5 nước gồm Ấn Độ, Nepal, Nga, Bồ Đào Nha và Anh từ danh sách các nước xuất hiện biến thể mới của SARS-CoV-2, chuyển sang danh sách các nước có tỷ lệ lây nhiễm cao. Theo đó, Đức sẽ gỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh đối với tất cả mọi người đến từ các nước kể trên, ngoài các đối tượng là công dân và người lưu trú dài hạn tại Đức. Theo kế hoạch điều chỉnh có hiệu lực từ ngày 7/7, mọi đối tượng từ những nước có tỷ lệ lây nhiễm cao được phép nhập cảnh Đức, nếu đảm bảo các yêu cầu có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 và tham gia cách ly 10 ngày. Thời gian cách ly có thể giảm xuống còn 5 ngày nếu kết quả xét nghiệm sau đó tiếp tục âm tính với virus này.
Chile cũng thông báo sẽ gỡ bỏ lệnh phong tỏa tại vùng thủ đô Santiago từ ngày 8/7, căn cứ trên sự chuyển biến tích cực của tình hình dịch bệnh tại đây. Theo đó, 28 thành phố và thị trấn của Chile sẽ triển khai thực hiện quy định giãn cách xã hội chỉ vào cuối tuần. Bộ trưởng Y tế Enrique Paris cho biết tỷ lệ ca dương tính với SARS-CoV-2 trên tổng các xét nghiệm ở khu vực thủ đô đã giảm còn 3,7%, trong khi số ca nhiễm mới liên tục giảm. Tổng số ca mắc COVID-19 tại quốc gia Nam Mỹ này đã lên tới 1.572.608 ca nhiễm, bao gồm 33.249 ca tử vong.