Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 6/7, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 49.735 ca mắc mới COVID-19 và 1.023 ca tử vong - mức kỷ lục kể từ khi đại dịch bùng phát. Tổng số ca bệnh hiện đã lên tới 5.199.824 trường hợp và 99.571 ca tử vong. Toàn khối có 4.539.933 bệnh nhân đã bình phục.
Trong 24 giờ qua, khu vực Đông Nam Á có 5 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 trong đó Indonesia chiếm nhiều nhất với 728 ca; Philippines đứng thứ hai với 104 ca; Malaysia ghi nhận 103 ca tử vong, trong khi Thái Lan thêm 57 ca, Campuchia ghi nhận 31 ca.
Với 31.189 ca nhiễm trong ngày 6/7, Indonesia cũng đang dẫn đầu khối về lây nhiễm mới. Nước này tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong khu vực, với tổng cộng 2.345.018 ca bệnh và 61.868 ca tử vong.
Philippines ghi nhận 4.144 ca nhiễm mới, nâng tổng ca bệnh lên 1.445.832, bao gồm 25.296 người tử vong. Trong khi đó, Malaysia ghi nhận 7.654 ca nhiễm mới, nâng tổng ca bệnh lên 792.693, trong đó có 5.677 ca tử vong.
Cùng ngày Thái Lan chứng kiến 5.420 ca nhiễm mới. Campuchia cũng ghi nhận 779 ca nhiễm mới và tổng ca bệnh đã lên trên 56.000 người. Timor Leste và Brunei không có ca nhiễm mới, trong khi Lào có thêm 31 ca.
Dịch quá căng thẳng, Indonesia xin trợ giúp
Chính phủ Indonesia đã đề nghị một số quốc gia, trong đó có Singapore và Trung Quốc, hỗ trợ nước này ứng phó với làn sóng dịch COVID-19 vốn đang diễn biến phức tạp và khó lường hiện nay.
Ngày 6/7, Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề Hàng hải và Đầu tư Luhut Binsar Pandjaitan cho biết đây là một phần trong kịch bản ứng phó với số ca mắc mới COVID-19 ở ngưỡng 40.000-70.000 ca/ngày. Ông nêu rõ: "Chúng tôi đã liên lạc với Singapore, Trung Quốc và các nguồn khác. Thực sự chúng tôi đã làm mọi công việc một cách toàn diện."
Chính phủ Indonesia cũng đang phối hợp với Facebook, Google và Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) nhằm thu thập dữ liệu về hoạt động di chuyển của người dân, giúp giám sát thực thi Lệnh Hạn chế các sinh hoạt cộng đồng (PPKM) khẩn cấp. Bộ trưởng Luhut cho biết chính phủ cũng để ngỏ khả năng hợp tác với các quốc gia khác và tiếp tục tìm cách giải quyết tình trạng hàng chục nghìn ca mới mắc COVID-19 mỗi ngày.
Song song với đó, Indonesia cũng đang huy động các nguồn lực trong nước, trong đó có quân đội và cảnh sát, nhằm giám sát cộng đồng cũng như xây dựng các bệnh viện dã chiến.
Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho biết bộ này sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 với mục tiêu tiêm chủng 5 triệu liều/ngày theo chỉ đạo của Tổng thống Joko Widodo. Theo Bộ trưởng Budi, Tổng thống đã chỉ đạo tiêm 1 triệu liều/ngày trong tháng 7, đạt mức 2 triệu liều trong tháng 8 và nếu cần có thể tăng lên 5 triệu liều. Ông khẳng định mục tiêu này sẽ đạt được trong bối cảnh nguồn cung vaccine ngừa COVID-19 trong 6 tháng cuối năm nay tăng so với nửa đầu năm vừa qua. Theo tính toán, Indonesia cần ít nhất 363 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 để tiêm chủng cho 181,5 triệu người, tương đương 70% dân số, nhằm đạt được miễn dịch cộng đồng.
Cùng với chiến dịch tiêm chủng, Indonesia cũng đang xem xét việc nhập khẩu oxy từ các nước láng giềng nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng loại khí này tăng cao khi nước này phải chống chọi với đại dịch COVID-19 đang ngày một trầm trọng. Bộ Công nghiệp Indonesia thông báo một số nhà sản xuất như Linde Group, Air Products and Chemicals Inc., Air Liquide SA và Iwatani Corp cho biết đã sẵn sàng vận chuyển oxy lỏng đến Indonesia từ các cơ sở tại Singapore và Malaysia. Thời gian vận chuyển dự kiến trong khoảng 7 ngày.
Số ca mắc COVID-19 tại Indonesia đã gia tăng đột biến sau kỳ nghỉ lễ xả chay Eid al-Fitr hồi tháng 5 vừa qua và sự xuất hiện của các biến thể mới. Số ca mắc mới hàng ngày đã liên tục lập đỉnh trong những tuần gần đây. Ngày 6/7, quốc gia Đông Nam Á này đã ghi nhận thêm 31.189 ca mắc mới và 728 ca tử vong, đều là mức cao nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát cách đây gần một năm rưỡi. Tới nay, số ca mắc và tử vong vì COVID-19 ở Indonesia lần lượt là 2.345.018 ca và 61.868 ca.
Philippines ghi nhận hơn 4.000 ca mắc mới
Ngày 6/7, Bộ Y tế Philippines (DOH) thông báo có thêm 4.114 ca mắc mới COVID-19, nâng số ca mắc ở quốc gia Đông Nam Á này lên 1.445.832 ca. Số ca tử vong cũng tăng lên 25.296 ca sau khi có thêm 104 bệnh nhân không qua khỏi.
Philippines đã phát hiện các ca nhiễm biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 trong các mẫu bệnh phẩm của công dân trở về nước và từng đến Saudi Arabia. Với việc phát hiện thêm hai ca mắc biến thể Delta, số ca nhiễm biến thể này tại Philippines đã lên tới 19 ca. Trong khi đó, số ca nhiễm biến thể Alpha ở Philippines là 1.217, còn số ca nhiễm biến thể Beta đã tăng lên 1.386 ca.
Campuchia: Gần 1.000 ca mắc mới /ngày
Số ca mắc mới COVID-19 ở mức cao xấp xỉ 1.000 ca/ngày, số ca nhập cảnh mắc COVID-19 và số người tử vong vì đại dịch liên tục ở mức cao vẫn là diễn biến chung của tình hình dịch bệnh tại Campuchia thời gian gần đây.
Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, ngày 6/7, Bộ Y tế Campuchia xác nhận có thêm 935 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua (bao gồm cả 155 ca nhập cảnh), nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này kể từ khi dịch bùng phát vượt mốc 56.000 ca. Ngày 6/7 cũng là một ngày tồi tệ với Campuchia khi số ca tử vong vì COVID-19 tại đây ở mức cao thứ hai từ đầu dịch với 31 người tử vong. Tới nay đã có tổng cộng 779 người không qua khỏi vì COVID-19 tại quốc gia này.
Tại Phnom Penh, ổ dịch chợ Olympic tiếp tục căng thẳng khi số ca mắc COVID-19 liên quan đến khu chợ này ngày càng nhiều. Kể từ ngày 1/7 đến nay, hơn 300 tiểu thương và bảo vệ tại chợ Olympic có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó khoảng 50% đang điều trị tại nhà. Theo Ban quản lý chợ Olympic, từ khi bùng dịch, hơn 2.000 người buôn bán và làm việc tại đây đã đi xét nghiệm, trong đó hơn 300 người sau đó được xác định nhiễm bệnh. Tối 2/7, chính quyền thủ đô Phnom Penh đã thông báo tạm đóng cửa chợ này 14 ngày cho đến ngày 16/7 để ngăn chuỗi lây nhiễm dịch bệnh.
Trong diễn biến liên quan, thêm 1 triệu liều vaccine Sinopharm của Trung Quốc đã về tới Campuchia trong ngày 6/7. Tới nay, Campuchia đã nhận 12 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, trong đó hơn 90% vaccine mua của Trung Quốc và được Trung Quốc viện trợ. Dự kiến đến tháng 8, Campuchia sẽ nhận tổng cộng 20 triệu liều vaccine, đủ để tiêm phòng cho 10 triệu người theo mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng vào tháng 11 tới.
Thái Lan đặt mua hàng chục triệu liều vaccine Pfizer
Ngày 6/7, Nội các Thái Lan đã thông qua việc ký kết thỏa thuận mua 20 triệu liều vaccine của Pfizer và mua thêm 10,9 triệu liều vaccine của Sinovac Biotech.
Chính phủ Thái Lan không tiết lộ ngân sách mua vaccine của Pfizer. Trong khi đó, phát ngôn viên của Thủ tướng Thái Lan, ông Anucha Burapachasri, cho biết ngân sách mua vaccine của Sinovac sẽ không vượt qua 6,1 tỷ baht (khoảng 190 triệu USD) và khoản tiền này sẽ được trích từ các khoản vay theo một sắc lệnh hành pháp.
Dự kiến, lô vaccine của Pfizer đặt hàng nói trên sẽ tới Thái Lan vào tháng 10. Trước đó, một số quan chức của Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 (CCSA) đã nói rằng 1,5 triệu liều vaccine Pfizer do Mỹ trao tặng sẽ đến trong tháng này và tháng 8.
Trong khi đó, các nhà chức trách y tế Thái Lan ngày 6/7 cảnh báo biến chủng Delta đang nhanh chóng lây lan khắp đất nước sau khi có thêm 57 ca tử vong do COVID-19 và 5.420 ca nhiễm mới được xác nhận trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm từ đầu mùa dịch lên 294.653 ca, trong đó có 2.333 ca tử vong.
Đến nay, Thái Lan đã tiêm được 11,05 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, chủ yếu là bằng hai loại của Sinovac và AstraZeneca, trong đó 8,02 triệu người đã tiêm mũi đầu tiên và 3,03 triệu người đã hoàn thành tiêm chủng. Nước này đặt mục tiêu tiêm chủng cho ít nhất 50 triệu người, tương đương 70% dân số, vào cuối năm nay.
Lào ghi nhận thêm nhiều ca nhập cảnh
Ngày 6/7, Bộ Y tế Lào thông báo trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 55 ca mắc mới COVID-19, trong đó có đến 54 trường hợp là người lao động nhập cảnh về nước từ Thái Lan được cách ly ngay và chỉ có một ca trong cộng đồng tại tỉnh Viêng Chăn.
Dù số ca lây nhiễm trong cộng đồng có xu hướng giảm, tuy nhiên để đảm bảo hiệu quả phòng bệnh, Bộ Y tế Lào tiếp tục vận động người dân tiêm đủ hai mũi vaccine. Bộ trên cũng cảnh báo người dân vẫn có thể mắc COVID-19 kể cả đã tiêm vaccine đầy đủ. Chính vì vậy, người dân tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 hiện hành, tăng cường đoàn kết và hợp tác với chính quyền trong việc đẩy lùi đại dịch.
Tính đến ngày 3/7, tại Lào, khoảng 942.835 người là nhân viên y tế tuyến đầu, người trên 60 tuổi, nhân viên làm việc tại các điểm nhập cảnh vào Lào và tại các trung tâm kiểm dịch, cũng như nhân viên ngoại giao đã được tiêm một mũi vaccine, trong khi 587.832 người đã được tiêm đủ hai mũi. Đến nay, Lào đã nhận được trên 2 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 các loại từ cơ chế tiếp cận vaccine công bằng COVAX và Trung Quốc. Lào hiện có tổng cộng 2.355 bệnh nhân COVID-19 và 3 người tử vong.