Cảnh sát đang điều tra liệu đường dây vaccine COVID-19 giả có nguồn gốc từ bệnh viện này hay không. Lãnh đạo bệnh viện đã bị bắt giữ.
Đầu năm nay, bệnh viện này đã được đưa vào danh sách các trung tâm tiêm chủng tư nhân và có giấy phép tiêm vaccine COVID-19. Bệnh viện đã nhận được trên 20.000 liều vaccine từ cơ quan dân sự BMC của Mumbai. Tuy nhiên, cảnh sát nghi ngờ bệnh viện đã giữ lại các lọ vaccine COVID-19 đã hết, đổ nước muối vào rồi tiếp tục tiêm cho những người đến sau.
Ít nhất 2.000 người đã được tiêm nước muối tại Mumbai trong tháng 5 và tháng 6. Tính đến thời điểm hiện tại, ít nhất 10 trung tâm tiêm chủng đang bị điều tra và nghi ngờ thu được 35.000 USD từ vaccine giả.
Hai trong số các nạn nhân, anh Hiren Mehta và vợ ở Mumbai, đã trả khoảng 23 USD/người cho các liều vaccine giả. Họ cho biết bây giờ họ không thể đi tiêm lại vaccine vì đã nhận được giấy chứng nhận do trung tâm tư nhân phát và dữ liệu này đã được nhập vào cơ sở dữ liệu tiêm chủng của chính phủ.
“Mối quan tâm hiện nay của chúng tôi là họ đã tiêm vào cơ thể tôi chất gì”, Hiren nói với Straits Times.
Tại một trung tâm tiêm chủng ở thành phố Kolkata, thay vì vaccine, những nhân viên y tế ở đây tiêm thuốc kháng sinh cho người dân. Gần 500 người, trong đó có một số người bị tàn tật, lo sợ đã bị tiêm thuốc kháng sinh điều trị bệnh nhiễm trùng Amikacin.
Dẫn lời cảnh sát địa phương, hãng tin AFP đưa tin các lọ bị thu giữ có nhãn giả vaccine Covishield – phiên bản vaccine AstraZeneca được sản xuất tại Ấn Độ.
“Trong trường hợp có ca cấp cứu, giới chức sẽ xây dựng các trạm y tế trong khu vực để theo dõi sức khỏe cho những ai bị tiêm vaccine giả”, quan chức y tế thành phố Kolkata Debasish Barui cho hay.
Ấn Độ hiện là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất do COVID-19 hiện nay, với trên 30,5 triệu ca mắc và ít nhất 400.000 trường hợp tử vong. Trên 351 triệu liều vaccine đã được phân phối tới người dân, với 59 triệu người hoàn thành 2 mũi tiêm – chiếm 4,3% tổng dân số.