Theo hãng tin Reuters, ông Mario Czaja – Chủ tịch Hội Chữ Thập đỏ Berlin – cho biết có 5 đến 10% người đăng ký đã bỏ lỡ lịch hẹn tiêm vaccine tại các trung tâm tiêm chủng của thành phố.
Tỷ lệ này gia tăng đáng kể so với đầu năm, khi số người không đến tiêm chỉ là chưa đầy 0,5%.
Ông Czaja phát biểu trên sóng phát thanh Deutschlandfunk ngày 5/7: Với khoảng 15.000 liều tiêm dự kiến được phân phối mỗi ngày tại các trung tâm tiêm chủng, số lượng người bỏ lỡ lịch hẹn đã có tác động to lớn tới chiến dịch tiêm chủng của thành phố.
Ông Czaja hối thúc những người đã đặt lịch có thể hủy hẹn trước nếu như họ đã được tiêm liều vaccine thứ hai ở một địa điểm khác.
Mặc dù có những người không đến tiêm song ông Czaja khẳng định các trung tâm tiêm chủng không bỏ phí vaccine. Chúng có thể được dự trữ trong tủ lạnh từ 3 đến 4 ngày sau khi mở nắp.
Theo ông Christian Fuellers – Giám đốc Y khoa tại một trung tâm tiêm chủng thuộc bang North Rhine-Westphalia, có những người không đến tiêm mũi hai vì họ có thể đã được bác sĩ gia đình tiêm hay tiêm ở nơi làm việc hoặc trong kỳ nghỉ.
Bên cạnh đó, những người trẻ cũng có quan điểm rằng mình tiêm một mũi đầu tiên là đủ hiệu quả.
Tuy nhiên, cho dù lý do là gì, việc không đến đúng lịch hẹn tiêm đã tạo rào cản đối với kế hoạch của chính phủ Đức trong đẩy mạnh tốc độ tiêm chủng trong bối cảnh biến thể Delta lây lan mạnh. Biến thể Delta gây ra một nửa các ca mắc COVID-19 hiện nay tại Đức và được dự báo sẽ tăng mạnh vào cuối tháng này.
Trong một cuộc họp với ủy ban điều hành đảng cầm quyền, Thủ tướng Đức Angela Merkel bày tỏ mong muốn Đức sẽ đạt được tỷ lệ tiêm chủng tới 80%.
Tính đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có khoảng 39% người trưởng thành Đức nhận đủ hai liều vaccine, trong khi 56,5% đã được tiêm ít nhất liều đầu tiên.
Tỷ lệ tiêm chủng trung bình mỗi ngày trong tuần trước tại Đức đã giảm 18% so với tuần thứ 2 trong tháng 6.
Ông Czaja gợi ý cần một mức phạt từ 30 đến 36 USD (600.000 - 900.000 đồng) cho những ai không đến tiêm như lịch hẹn. Tuy nhiên, những người khác lại cảnh báo hành động đó có thể phản tác dụng.
“Thay vì nghĩ đến hình phạt, chúng ta nên nghĩ cách thu hút người dân đi tiêm”, ông Reinhard Sager - Chủ tịch Hiệp hội Quận hành chính của Đức – trả lời phỏng vấn báo Die Welt.
Cùng ngày, phát ngôn viên của chính phủ Đức Steffen Seibert cho biết giới chức chưa có kế hoạch áp dụng các mức phạt đối với những người bỏ tiêm vaccine.
Tại một số quốc gia khác như Mỹ và Nga, chính phủ các nước đã đưa ra các biện pháp khuyến khích tiêm vaccine, ví dụ như thưởng tiền mặt hoặc cơ hội trúng thưởng xe hơi hoặc căn hộ. Một số thành phố của Nga cũng ban hành quy định tiêm chủng bắt buộc cho một số người lao động.