Toàn cảnh khủng hoảng di cư nghiêm trọng tại biên giới Ba Lan-Belarus

Căng thẳng đang leo thang ở biên giới Ba Lan và Belarus sau khi các quan chức Ba Lan cáo buộc Belarus giúp người di cư di chuyển về phía biên giới, đồng thời cảnh báo sẽ huy động thêm hàng nghìn binh lính để đối phó với đụng độ.

Theo kênh CNN, trong diễn biến mới nhất của khủng hoảng di cư kéo dài hàng tuần qua ở biên giới hai nước, lãnh đạo lực lượng biên phòng Ba Lan Ewelina Szczepańska cho biết các nhóm người di cư đang tìm cách xâm phạm biên giới tối 8/11. Bà nói: “Tình hình ở biên giới khó khăn. Ngày càng nhiều nhóm người di cư tới biên giới. Họ nỗ lực để vượt biên”.

Chú thích ảnh
Binh sĩ Ba Lan dựng hàng rào dây thép ở biên giới Ba Lan - Belarus tại khu vực Zubrzyca Wielka, gần Bialystok, ngày 26/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Trước đó, ngày 8/11, Bộ Quốc phòng Ba Lan nói trên Twitter rằng có một nhóm người di cư đang ở gần Kuznica bên phần lãnh thổ của Belarus. Họ dựng trại ở khu vực Kuznica và được phía Belarus liên tục canh gác.

Phát ngôn viên trụ sở lực lượng biên phòng Ba Lan, Michal Tokarczyk cho biết: “Các cơ quan Belarus đang di chuyển các nhóm người di cư lớn về phía biên giới Ba Lan. Chúng tôi đang chờ thêm động thái và sẵn sàng cho bất kỳ tình huống nào”.

Hiện có 4.500 nhân viên biên phòng và 9.500 binh lính Ba Lan tại biên giới khi vài nghìn người di cư đang đi về phía biên giới Ba Lan. 

Video người di cư dùng cây phá hàng rào thép gai ở biên giới (nguồn: RT):

Trong những tuần gần đây, ngày càng nhiều người vượt biên Ba Lan bất hợp pháp từ Belarus. Từ tháng 8, đã có trên 30.000 người di cư tìm cách vào Ba Lan.

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko từng bị Thủ tướng Ba Lan, Latvia và Lithuania cáo buộc gây ra khủng hoảng di cư ở biên giới, khiến Ba Lan thông qua một dự luật hồi tháng 10 để xây tường biên giới với Belarus.

Giới chức châu Âu cũng cáo buộc Belarus khuyến khích người dân vượt biên trái phép vào Ba Lan và các nước láng giềng Liên minh châu Âu (EU) nhằm gây áp lực với EU sau khi EU trừng phạt Belarus hồi tháng 6.

Về phần mình, chính phủ của Tổng thống Lukashenko liên tục bác bỏ cáo buộc tạo ra khủng hoảng di cư, cáo buộc phương Tây gây ra tình trạng trên và đối xử tệ với người di cư. 

Ủy ban Biên giới Nhà nước Belarus cho biết nhóm người di cư này muốn vào Ba Lan tị nạn và không gây ra mối đe dọa an ninh. Ủy ban này nói trong một tuyên bố đăng trên Facebook: “Người nước ngoài gần biên giới với Ba Lan cho biết họ muốn vào lãnh thổ một nước láng giềng và thực hiện quyền xin cơ chế tị nạn ở EU. Tất cả những người này, có cả phụ nữ và trẻ em, không gây ra mối đe dọa an ninh và không hành xử quá khích”.

Chú thích ảnh
Người dư cư ở biên giới Ba Lan-Belarus chặt cây để phá hàng rào. Ảnh: Twitter

Ủy ban trên cho biết không loại trừ hành vi khiêu khích từ phía Ba Lan. Ủy ban này cáo buộc lực lượng an ninh Ba Lan dùng hơi cay xịt vào người di cư và gây sức ép tâm lý, khiến một số người tìm cách phá hàng rào biên giới của Ba Lan.

Ngày 8/11, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov đã bảo vệ cách xử lý vấn đề người di cư của Belarus, nói rằng Belarus đang thực hiện mọi biện pháp cần thiết để hành động hợp pháp.

Các tổ chức từ thiện cho biết người di cư đang gặp tình trạng khó khăn khi cố vượt biên từ Belarus trong thời tiết lạnh giá, thiếu đồ ăn và chăm sóc y tế. Đã có 7 người di cư thiệt mạng ở biên giới thuộc Ba Lan. Phía Belarus cũng ghi nhận nhiều người chết.

Các tổ chức nhân đạo cáo buộc Ba Lan vi phạm quyền quốc tế về tị nạn khi đẩy người di cư trở lại Belarus thay vì nhận đơn xin tị nạn của họ. Còn phía Ba Lan cho rằng hành động của mình là hợp pháp.

Trong khi đó, ngày 8/11, Đức đã hối thúc EU hành động và giúp ngăn chặn dòng người di cư vượt biên trái phép từ Belarus vào Ba Lan. Quyền Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehofer cho biết: "Ba Lan hay Đức không thể một mình giải quyết vấn đề này. Chúng ta phải giúp Ba Lan đảm bảo an ninh biên giới của họ. Đây thực sự là nhiệm vụ của Ủy ban châu Âu (EC). Tôi đang kêu gọi họ hành động".    

Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cùng ngày cũng đã kêu gọi các nước thành viên EU áp đặt những biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Belarus - quốc gia mà bà cho rằng phải chịu trách nhiệm về làn sóng người di cư tại biên giới Ba Lan. Trong một tuyên bố, bà von der Leyen nhấn mạnh EU sẽ cân nhắc cách thức trừng phạt "các hãng hàng không của nước thứ 3" đưa người di cư tới Belarus.

Chú thích ảnh
Người di cư gần hàng rào dây thép gai ở biên giới Ba Lan-Belarus. Ảnh: Reuters

Ba Lan đang lên kế hoạch chi khoảng 410 triệu USD để xây dựng bức tường này  nhằm ngăn chặn dòng người di cư - chủ yếu từ Trung Đông - ồ ạt vượt biên giới Belarus để đến nước này.    Dù khu vực biên giới Ba Lan-Belarus đã có hàng rào dây thép gai, nhưng số lượng người di cư tìm cách vượt qua khu vực biên giới này không những không giảm mà còn tăng lên. Trong 9 tháng đầu năm 2021, lực lượng biên phòng Ba Lan đã ngăn chặn 9.287 lượt người tìm cách vượt biên giới từ Belarus sang nước này, trong đó riêng hai tháng 8 và 9, có tới 8.000 lượt người bị chặn. Người phát ngôn Chính phủ Ba Lan Piotr Muller bày tỏ lo ngại rằng tình trạng trên sẽ tiếp diễn thêm nhiều tháng nên chính phủ cần có các biện pháp bảo vệ.

Tháng 9 vừa qua, Ba Lan đã ban bố lệnh tình trạng khẩn cấp tại vùng biên giới để tăng cường biện pháp ngăn chặn người di cư. Nước này cũng dự kiến sẽ tăng số lượng binh lính triển khai tại biên giới với Belarus lên 10.000 người, để đảm bảo an ninh biên phòng.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Ba Lan tăng gần gấp đôi binh sĩ ở biên giới với Belarus
Ba Lan tăng gần gấp đôi binh sĩ ở biên giới với Belarus

Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak ngày 19/10 cho biết gần 6.000 binh sĩ nước này đã được triển khai đến khu vực biên giới với Belarus, trong một động thái nhằm tăng cường các biện pháp an ninh trước tình trạng người dư cư tăng ồ ạt từ nước láng giềng này thời gian gần đây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN