Năm 2018, 8 người gồm cả nam và nữ, trong độ tuổi từ 30 - 80, sinh ra tại Nhật Bản nhưng hiện sinh sống ở châu Âu đã khởi kiện lên Tòa sơ thẩm Tokyo, cáo buộc quy định pháp luật buộc công dân Nhật Bản từ bỏ quốc tịch khi có một quốc tịch nước ngoài là vi hiến.
Trong 8 nguyên đơn, 6 người đã xin nhập tịch Thụy Sĩ và Liechtenstein, 2 người có kế hoạch xin quốc tịch Thụy Sĩ và Pháp để thuận tiện cho công việc và sinh hoạt. Họ đều hi vọng duy trì quốc tịch Nhật Bản của mình. Các nguyên đơn cho rằng: "Điều khoản hủy bỏ quốc tịch Nhật Bản của người dân là vi hiến, vi phạm quyền mưu cầu hạnh phúc và bình đẳng trước pháp luật".
Bên bị đơn là chính phủ đã bác cáo buộc của bên nguyên đơn, cho rằng các nguyên đơn đã không chú ý tới lợi ích quốc gia khi tình trạng mang nhiều quốc tịch có thể dẫn đến việc công dân Nhật Bản có quyền bỏ phiếu hoặc được bảo vệ ngoại giao tại nước khác.
Theo điều 11 Luật Quốc tịch của Nhật Bản, công dân nước này muốn có quốc tịch nước khác sẽ tự động mất quốc tịch Nhật Bản, đồng nghĩa với việc cấm mang nhiều quốc tịch. Luật Quốc tịch cũng bắt buộc công dân Nhật Bản phải khai báo từ bỏ quốc tịch nước này khi định xin quốc tịch nước ngoài. Tuy nhiên, do không có hình phạt cụ thể, nhiều công dân Nhật Bản vẫn giữ quốc tịch sau khi đã xin quốc tịch nước khác.
Thống kê vào tháng 10/2019 cho thấy khoảng 518.000 người Nhật Bản đã có tư cách vĩnh trú ở nước khác, nhưng chính phủ vẫn không thể xác định được số người mang nhiều quốc tịch.
Vấn đề quốc tịch kép ở Nhật Bản đã thu hút sự chú ý quốc tế khi siêu sao quần vợt Naomi Osaka, người có quốc tịch Nhật Bản và Mỹ, đã chọn quốc tịch Nhật Bản trước khi bước sang tuổi 22 vào năm 2019. Cô có mẹ là người Nhật và cha là người Haiti. Luật của Nhật Bản quy định những người dưới 20 tuổi có hai quốc tịch thì phải chọn lấy một trước khi tròn 22 tuổi, còn những người từ 20 tuổi trở lên bắt đầu có 2 quốc tịch sẽ có 2 năm để lựa chọn muốn giữ quốc tịch nào.