Ngày 29/9, Tòa án Hành chính Seoul đã bác bỏ yêu cầu của một nhóm người dân đòi đình chỉ lệnh cấm của giới chức thành phố đối với kế hoạch tổ chức một cuộc biểu tình có sự tham gia của 1.000 người tại Gwanghwamun, trung tâm Seoul, vào ngày 3/10 tới.
Trước đó, các cuộc biểu tình chống chính phủ quy mô lớn cũng đã diễn ra tại Gwanghwamun vào ngày 15/8 và đây được cho là nguyên nhân khiến số ca mắc COVID-19 tại Hàn Quốc tăng vọt sau đó. Số ca nhiễm mới theo ngày tại Hàn Quốc đã tăng ở mức 3 con số sau khi hàng nghìn người tham gia các hoạt động biểu tình trên.
Nhằm ngăn chặn điều này tái diễn, chính quyền Seoul đã cấm tất cả các sự kiện tập trung đông người từ 10 người trở lên và nêu rõ các khu vực ở trung tâm thủ đô Seoul là những khu vực không được phép tập trung đông người. Thủ đô Seoul cũng cấm các cuộc mít tinh theo hình thức diễu hành bằng xe ô tô do một nhóm khác tổ chức nhằm kêu gọi giảm nguy cơ ô nhiễm.
* Botswana gia hạn tình trạng khẩn cấp thêm 6 tháng nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan sau khi quốc gia ở khu vực miền Nam châu Phi này ghi nhận số ca lây nhiễm trong cộng đồng gia tăng theo cấp số nhân kể từ khi dỡ bỏ hạn chế đi lại. Botswana ban hành tình trạng khẩn cấp từ ngày 2/4 sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ra tuyên bố chính chức hôm 11/3 rằng COVID-19 là đại dịch toàn cầu.
Hiện Botswana ghi nhận tổng cộng 3.172 ca nhiễm COVID-19, trong đó 16 ca tử vong.
* Chính phủ Colombia đã quyết định kéo dài quy định cách ly có chọn lọc thêm 1 tháng, đến cuối tháng 10 tới, nhằm kiềm chế dịch bệnh lây lan. Trong một tuyên bố trên truyền hình tối 28/9, Tổng thống Ivan Duque cũng đã kêu gọi người dân tránh các cuộc tụ tập đông người.
Sau khoảng 5 tháng áp đặt các biện pháp phong tỏa, Colombia đã bắt đầu giai đoạn mới với quy định cách ly có chọn lọc và thực hiện giãn cách xã hội, nhằm nhanh chóng khôi phục nền kinh tế.
Colombia hiện đứng thứ 5 thế giới về số ca mắc COVID-19 với 818.203 ca nhiễm, trong đó 25.641 ca tử vong.