Nguyên đơn của vụ kiện là hai công dân Đức "phản đối các biện pháp bảo vệ khí hậu không đầy đủ ở nước này". Theo các nguyên đơn, lượng khí thải CO2 có thể giảm đáng kể ngay lập tức nhờ giới hạn tốc độ trên đường cao tốc, và nếu không có biện pháp này, đến năm 2030 "tình trạng mất tự do trầm trọng hơn nhiều" sẽ xảy ra.
Tòa án Hiến pháp Đức đã bác bỏ yêu cầu này, tuy nhiên nhấn mạnh rằng vấn đề bảo vệ khí hậu tiếp tục phải được cân nhắc kỹ lưỡng trong tất cả các quyết định của chính quyền liên bang và các bang. Điều này không chỉ áp dụng cho các quyết định hành chính mà còn cho cả cơ quan lập pháp.
Giới hạn tốc độ trên đường cao tốc là chủ đề gây tranh cãi tại Đức trong nhiều năm qua. Rất nhiều yêu cầu về việc cần phải giới hạn tốc độ trên đường cao tốc đã được đưa ra, nhưng cũng có nhiều ý kiến phản đối đề xuất này. Vấn đề này đã được đưa ra thảo luận trong quá trình thành lập liên minh cầm quyền (gồm đảng Dân chủ xã hội SPD, đảng Xanh và đảng Dân chủ tự do FPD). Tuy nhiên, đảng FDP cương quyết phản đối yêu cầu này, do đó quy định về việc giới hạn tốc độ đã không được thể hiện trong thỏa thuận thành lập liên minh.
Hiện tại Đức là quốc gia duy nhất trên thế giới không giới hạn tốc độ tối đa trên đường cao tốc. Ở nhiều quốc gia châu Âu khác, tốc độ tối đa thường được giới hạn ở mức 130 hoặc 120 km/h.
Theo tính toán của Cơ quan Môi trường liên bang Đức, nếu quy định giới hạn tốc độ chung trên hệ thống đường cao tốc toàn quốc tối đa là 120 km/h, tổng lượng khí thải CO2 từ ô tô con và xe hạng nhẹ sẽ giảm khoảng 2,7%. Ở tốc độ tối đa 100 km/h, mức giảm sẽ là 5,7%. Số ca tử vong trên đường và tiếng ồn cũng sẽ giảm đáng kể.