Theo kênh truyền hình RT, SCO là tổ chwucs khu vực lớn nhất thế giới, bao gồm 8 thành viên trong đó có Nga, Ấn Độ và Trung Quốc.
Trong một thông báo đăng trên website chính thức của Tổng thống Mirziyoyev ngày 13/9, nhà lãnh đạo bày tỏ tin tưởng hội nghị thượng đỉnh trong hai ngày 15 – 16/9 sẽ đánh dấu giai đoạn mới trong lịch sử của tổ chức này. “Số lượng thành viên của SCO sẽ tăng lên và chương trình nghị sự trong tương lai sẽ được hình thành. Điều này mang tính biểu tượng cao”, nhà lãnh đạo của quốc gia Trung Á viết.
Hiện SCO có 8 thành viên chính thức: Ấn Độ, Kazakhstan, Trung Quốc, Kyrgyzstan, Nga, Tajikistan, Pakistan và Uzbekistan. Hai quốc gia khác là Iran và Belarus đang trong quá trình gia nhập SCO và đảm nhiệm tư cách quan sát viên, cùng với Afghanistan và Mông Cổ. Các nước thành viên SCO chiếm 40% dân số thế giới và hơn 30% GDP toàn cầu.
Trong một thế giới đang hứng chịu khủng hoảng lòng tin sâu sắc và đối đầu địa chính trị, SCO nên trở thành một điểm hút không có ranh giới, nhân danh hòa bình, hợp tác và tiến bộ.
Ông Mirziyoyev tin rằng một trong những mục tiêu chính của SCO là mở rộng hợp tác với Afghanistan, từ đó tổ chức nên cố gắng thực hiện một sứ mệnh hòa bình mới kết nối Trung Á và Nam Á.
Hồi tháng 9/2021, SCO đã đưa ra các quy trình gia nhập đối với Iran. Đặc phái viên của Tổng thống Nga về các vấn đề SCO, Bakhtiyor Khakimov, cho biết vào thời điểm đó, quá trình gia nhập sẽ mất một khoảng thời gian đáng kể. Trong khi đó, Belarus cũng mới đăng ký xin làm thành viên SCO hồi tháng 6 năm nay.
Ngày 13/9, điều phối viên SCO của Uzbekistan, Rakhmatulla Nurimbetov, tiết lộ 6 quốc gia, bao gồm 4 quốc gia Arab, sẽ nhận được tư cách là đối tác đối thoại trong hội nghị thượng đỉnh lần này.
Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ không phải là thành viên của SCO, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cũng dự kiến đến Uzbekistan để hội đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận các vấn đề liên quan đến cuộc xung đột Ukraine và thỏa thuận ngũ cốc do Liên hợp quốc làm trung gian.