Theo hãng tin RT, khối lượng giao dịch cặp nhân dân tệ - ruble đạt 45,37 tỷ ruble, còn khối lượng giao dịch của cặp USD – ruble là 43,7 tỷ ruble.
Các nhà đầu tư Nga ngày càng quan tâm hơn tới đồng nhân dân tệ và các đồng tiền châu Á khác trong bối cảnh các nước phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt chưa từng có nhằm vào Nga.
Đầu tháng này, Sở giao dịch Moskva đã bắt đầu giao dịch trái phiếu bằng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc nhằm thu hút thêm các nhà đầu tư châu Á. Đợt chào bán đầu tiên do nhà sản xuất nhôm Nga Rusal phát hành.
Nga đã yêu cầu các quốc gia không thân thiện mua khí đốt bằng đồng ruble, từ đó củng cố thêm vị thế của đồng tiền của Nga. Ngày 18/8, giá đồng ruble đã tăng lên mức cao nhất trong hơn hai tuần so với đồng USD và euro.
Trước đó, hồi tháng 4, khảo sát của tờ Kommersant (Nga) cho thấy số lượng tài khoản bằng đồng nhân dân tệ mở mới tại các ngân hàng Nga tăng mạnh.
Điều này cho thấy người dân Nga đang chủ động chuyển đổi nguồn ngoại tệ dự trữ bằng USD, euro sang đồng nhân dân tệ.
Tại ngân hàng Tinkoff Bank, số lượng tài khoản tiền gửi bằng đồng nhân dân tệ trong tháng 4 tăng 8 lần so với tháng 3. Tỉ lệ này ở Ngân hàng MTS và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Ural lần lượt là 4 lần và 3,5 lần.
Ngân hàng Tinkoff Bank cũng cho biết nhiều công ty bán buôn cũng đã chuyển hình thức thanh toán sang đồng nhân dân tệ dù trước đó họ từng kỳ vọng giao dịch bằng đồng USD sẽ nhanh hơn và dễ dàng hơn.
Giao dịch bằng đồng nhân dân tệ được thực hiện đối với các hoạt động buôn bán, trao đổi phụ tùng, thiết bị, sản phẩm dệt may và thực phẩm. Các công ty dầu mỏ, khai thác than, kim loại màu cũng bắt đầu sử dụng cơ chế hoán đổi tiền tệ, thanh toán bằng đồng nhân dân tệ.