Theo một bài báo đăng trên tờ Financial Times ngày 13/4, bà Greene cho biết USD là loại tiền tệ được sử dụng rộng rãi nhất trên thị trường tài chính toàn cầu, thương mại và dự trữ ngân hàng trung ương. Đồng tiền này sẽ không mất vị thế cho dù gần đây, sau khi Nga bị trừng phạt, có nhiều ý kiến cho rằng USD có thể bị soán ngôi. Nhiều biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm Nga có ảnh hưởng lớn vì đều dựa vào việc ngăn chặn tiếp cận với đồng USD, nhưng một số cảnh báo rằng việc vũ khí hóa USD như thế này có thể làm lung lay vị thế của USD và khiến các đồng tiền nhỏ hơn như đồng nhân dân tệ có vai trò lớn hơn.
Theo bà Greene, suy luận trên có điều hợp lý nhưng thực tế là không thể tránh đồng USD và đồng tiền này sẽ vẫn là đồng tiền thống trị trong giao dịch và mua bán.
Các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục đa dạng hóa dự trữ, nhưng điều này không gây ra mối đe dọa với USD dự trữ. Bà Greene lưu ý rằng tỷ trọng của đồng USD trong dự trữ ngoại hối dù đã giảm 12% trong hai thập kỷ qua, nhưng vẫn gần gấp ba lần so với đồng euro – đồng tiền ở vị trí thứ hai.
Mặc dù thị phần của USD đã chuyển bớt sang nhân dân tệ, nhưng phần còn lại chuyển bớt sang tiền tệ của nhiều nền kinh tế nhỏ hơn như Australia, Canada, Singapore, Hàn Quốc, Thụy Điển... Trong số những cái tên đó, Trung Quốc là quốc gia duy nhất không áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga.
Bà Greene nhận định: “Rất khó xảy ra xung đột địa chính trị trong tương lai mà gây chia rẽ nghiêm trọng giữa các đồng minh này. Với quy mô nền kinh tế của các nước đó, chuyển dự trữ sang đồng đô la Canada, won của Hàn Quốc hoặc krona của Thụy Điển không thể tránh được các biện pháp trừng phạt tài chính. Dù sao, trong trường hợp khẩn cấp, tất cả các đồng tiền này cuối cùng đều được bảo vệ nhờ giao dịch hoán đổi với USD.
Chiến lược gia Zoltan Pozsar tại ngân hàng Credit Suisse hồi tháng 3 cho biết cuộc chiến Ukraine, dẫn đến khủng hoảng hàng hóa toàn cầu, sẽ làm suy yếu hệ thống đồng euro và USD, mở đường cho đồng nhân dân tệ mạnh hơn nhiều.
Tuy nhiên, theo bà Greene, có những trở ngại lớn đối với khả năng này.
Hai trong số các ngân hàng quốc doanh lớn nhất của Trung Quốc đã hạn chế cấp tiền cho việc mua hàng hóa của Nga, đặc biệt là bằng USD, vì lo ngại vi phạm các lệnh trừng phạt.
Bà Greene nói: “Sẽ rất khó cho Trung Quốc và Nga nếu chỉ giao dịch bằng đồng ruble và đồng nhân dân tệ. Đồng tiền của Trung Quốc không thể chuyển đổi ở bên ngoài quốc gia này. Trung Quốc sẽ làm gì với đồng ruble?"
Để đồng nhân dân tệ trở thành đồng tiền dự trữ toàn cầu, đồng tiền này sẽ cần có khả năng chuyển đổi hoàn toàn và một tài khoản vốn mở. Hơn nữa, Trung Quốc sẽ không dễ tìm được tiền để mua hàng hóa của Nga mà không phải dùng đến USD. Trung Quốc có thể in tiền nhưng điều này sẽ tạo ra lạm phát vào thời điểm giới chức nước này đang cố gắng ổn định tăng trưởng kinh tế.
Nhà kinh tế Greene cho biết Trung Quốc cũng cam kết tạo ra thị trường trái phiếu bằng USD ở nước ngoài để giúp các công ty Trung Quốc dễ dàng vay bằng USD.
Tiền điện tử cũng không phải là một thay thế hợp lý cho USD. Bà Greene nhận định rằng ví kỹ thuật số không hiệu quả và không thể dùng ví kỹ thuật số để mua hàng tạp hóa hoặc trả thuế, chứ đừng nói đến trả tiền mua một tàu chở đầy dầu”.