Tình trạng khẩn cấp có ý nghĩa thế nào với Nhật Bản?

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã lên kế hoạch ban bố tình trạng khẩn cấp sớm nhất là vào 7/4 tại một số nơi, bao gồm cả Tokyo, khi số ca mắc COVID-19 gia tăng. Vậy điều này có ý nghĩa thế nào đối với Nhật Bản?

Chú thích ảnh
Thủ tướng Shinzo Abe phát biểu tại Tokyo ngày 6/4. Ảnh: AP

Những khu vực nào bị ảnh hưởng

Hãng thông tấn AFP (Pháp) cho biết lệnh tình trạng khẩn cấp này không áp dụng trên toàn quốc mà chỉ ảnh hưởng tới 7 khu vực nơi các chuyên gia y tế cho rằng virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh đường hô hấp cấp COVID-19 đang lây lan mạnh, có nguy cơ gây quá tải hệ thống chăm sóc sức khỏe.

Thủ tướng Abe ngày 6/4 nói rằng các khu vực tình trạng khẩn cấp có thể bao gồm Tokyo, Chiba, Kanagawa, Saitama, phía Tây Osaka, Hyogo và Tây Nam vùng Fukuoka.

Những khu vực khác tại Nhật Bản không bị ảnh hưởng. Hồi tháng 2, chính quyền Hokkaido từng ban bố tình trạng khẩn cấp ở địa phương khi số ca COVID-19 tăng nhưng đã dỡ bỏ vài tuần sau đó.

Tình trạng khẩn cấp kéo theo điều gì?

Tình trạng khẩn cấp tạo điều kiện để chính quyền những tỉnh bị ảnh hưởng yêu cầu người dân hạn chế di chuyển và kinh doanh. Chính quyền địa phương cũng có thể đề nghị người dân ở trong nhà, điều Tokyo đã áp dụng.

Ngoài ra, những dịch vụ kinh doanh thu hút nhiều người như trung tâm thương mại, cơ sở giải trí… sẽ đóng cửa. Tuy nhiên, không có hình phạt đối với những cá nhân và tổ chức đi ngược lại với yêu cầu của chính quyền.

Các phương tiện công cộng sẽ tiếp tục vận hành nhưng nhiều khả năng có hạn chế. Các cửa hàng và những lĩnh vực kinh doanh khác vẫn tiếp tục hoạt động.

Chính quyền địa phương có quyền hạn gì?

Sau khi ban bố tình trạng khẩn cấp, chính quyền địa phương có năng lực trưng dụng các công trình hoặc khu đất dành cho mục đích y tế.

Điều này đồng nghĩa với việc yêu cầu chủ đất trao tài sản để xây dựng cơ sở y tế tạm thời hoặc các doanh nghiệp trao không gian để làm nơi điều trị cho bệnh nhân.

Chính quyền địa phương còn có thể đóng các cơ sở công như trường học.

Phương pháp ban bố tình trạng khẩn cấp

Tình trạng khẩn cấp xuất phát từ đạo luật được sửa đổi năm 2012 nhằm mục đích ngăn chặn sự lây lan của chủng virus mới. Tình trạng khẩn cấp chỉ được công bố nếu đạt được một số điều kiện nhất định, bao gồm tình trạng virus lây lan mạnh và có ảnh hưởng đáng kể tới người dân, nền kinh tế. Trong tháng 3, một đội ngũ chuyên gia tư pháp và y tế đã tư vấn Thủ tướng Abe về vấn đề này.

Tính đến sáng 7/4, Nhật Bản ghi nhận trên 4.360 ca nhiễm và 96 trường hợp tử vong vì COVID-19.

Hà Linh/Báo Tin tức
Diễn biến COVID-19 tới 6h sáng 7/4: Mỹ vượt 10.000 người tử vong, Thủ tướng Anh vào khu chăm sóc đặc biệt
Diễn biến COVID-19 tới 6h sáng 7/4: Mỹ vượt 10.000 người tử vong, Thủ tướng Anh vào khu chăm sóc đặc biệt

Chỉ trong vòng 24h, 1.176 người tại Mỹ đã thiệt mạng vì virus SARS-CoV-2 và trên 27.000 ca nhiễm mới. Trong khi đó, Thủ tướng Anh sau khi nhập viện vì những triệu chứng dai dẳng của bệnh COVID-19 đã chuyển vào khu chăm sóc đặc biệt vì bệnh tình diễn biến xấu đi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN