Theo hãng tin Reuters, việc Taliban đột ngột trở lại nắm quyền đã khiến hàng trăm nhà ngoại giao Afghanistan ở nước ngoài rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan: hết tiền để tiếp tục hoạt động, lo sợ cho gia đình ở quê nhà và tuyệt vọng tìm nơi tị nạn ở nước ngoài.
Phong trào Taliban, lực lượng đã nhanh chóng lật đổ chính phủ Afghanistan được phương Tây hậu thuẫn vào ngày 15/8, đầu tuần này cho biết họ đã gửi thông điệp tới tất cả các đại sứ quán yêu cầu các nhà ngoại giao tiếp tục công việc của mình.
Tuy nhiên trao đổi với hãng tin Reuters, 8 nhân viên đại sứ quán Afghanistan giấu tên ở các nước bao gồm Canada, Đức và Nhật Bản, đã mô tả tình cảnh rối loạn và tuyệt vọng của họ.
"Các đồng nghiệp của tôi ở đây và ở nhiều quốc gia đang cầu xin nước sở tại chấp nhận họ [tị nạn]", một nhà ngoại giao Afghanistan ở Berlin cho biết. Người này lo sợ chuyện xấu có thể xảy ra với vợ và 4 cô con gái vẫn đang ở Kabul nếu ông vẫn cho phép mình tiếp tục hoạt động như một đại diện được cử bởi chính quyền cũ.
"Tôi đang ăn xin theo đúng nghĩa đen. Các nhà ngoại giao sẵn sàng trở thành người tị nạn", nhà ngoại giao trên nói và cho biết thêm ông sẽ phải bán mọi thứ, gồm cả ngôi nhà lớn ở Kabul để “bắt đầu lại từ đầu”.
Afzal Ashraf, một chuyên gia về quan hệ quốc tế, giảng viên thỉnh giảng tại Đại học Nottingham (Anh), cho biết các sứ mệnh ngoại giao của Afghanistan ở nước ngoài phải đối mặt với thời gian kéo dài khi các nước đang chờ quyết định có công nhận Taliban hay không.
"Những đại sứ quán đó có thể làm gì? Họ không đại diện cho chính phủ. Họ không có chính sách nào để thực hiện", ông Ashraf nói, bổ sung rằng các nhân viên sứ quán có thể sẽ được phép tị nạn chính trị do lo ngại về an toàn nếu họ quay trở lại Afghanistan.
Phong trào Taliban, vốn khét tiếng với những hình phạt hà khắc như chặt chân tay, ném đá trong thời kỳ cầm quyền trước đây (1996-2001), đang tìm cách thể hiện một thái độ hoà giải hơn kể từ khi trở lại nắm quyền. Người phát ngôn Taliban đã trấn an dân chúng Afghanistan rằng họ sẽ không trả thù những người liên quan đến chính quyền cũ và lực lượng NATO, cũng như tôn trọng quyền con người, bao gồm cả phụ nữ.
Tuy nhiên, nhiều báo cáo về việc thành viên Taliban khám xét từng nhà và trả thù các cựu quan chức và người dân tộc thiểu số đã khiến người dân cảnh giác.
Trong tuần này, một nhóm phái viên ngoại giao của chính phủ Afghanistan bị lật đổ đã đưa ra tuyên bố chung đầu tiên, kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới bác bỏ công nhận chính thức Taliban.
Trong khi đó, quyền Ngoại trưởng Afghanistan Amir Khan Muttaqi phát biểu trong một cuộc họp báo ở Kabul ngày 14/9 rằng Taliban đã gửi thông báo đến tất cả các các đại sứ quán Afghanistan ở nước ngoài yêu cầu họ tiếp tục làm việc. Ông Muttaqi nói: “Afghanistan đã đầu tư vào các bạn rất nhiều, các bạn là tài sản của Afghanistan.
Một nhà ngoại giao cấp cao của Afghanistan ước tính có khoảng 3.000 người đang làm việc trong các đại sứ quán của nước này hoặc phụ thuộc trực tiếp vào họ.
Về phần mình, chính quyền bị lật đổ của Tổng thống Ashraf Ghani cũng đã gửi một lá thư cho các phái bộ nước ngoài vào ngày 8/9, gọi chính phủ mới của Taliban là "bất hợp pháp" và kêu gọi các đại sứ quán "tiếp tục các chức năng và nhiệm vụ bình thường của họ".
Tuy nhiên, theo các nhân viên đại sứ quán Afghanistan, những lời kêu gọi này không phản ánh tình cảnh hỗn loạn trên thực tế. "Không có tiền. Không thể hoạt động trong tình cảnh như vậy. Tôi hiện không được trả lương", một nguồn tin tại đại sứ quán Afghanistan ở thủ đô Ottawa, Canada, cho biết.
Hai nhân viên đại sứ quán Afghanistan ở New Delhi cũng cho biết họ sắp hết tiền cho sứ mạng phục vụ hàng nghìn người Afghanistan đang cố gắng tìm cách trở về nhà để đoàn tụ với gia đình hoặc cần giúp đỡ xin tị nạn ở các nước khác. Cả hai nhân viên ngoại giao này cho biết họ sẽ không trở lại Afghanistan vì lo sợ an toàn, nhưng cũng sẽ tìm cách để được tị nạn ở Ấn Độ, quốc gia mà hàng nghìn người Afghanistan mất nhiều năm để xin tị nạn. Một người cho biết: “Hiện giờ tôi phải ngồi chết dí trong khuôn viên đại sứ quán, chờ xuất cảnh đến bất kỳ quốc gia nào sẵn sàng chấp nhận tôi và gia đình tôi”.
Một số đại diện ngoại giao Afghanistan ở nước ngoài đã công khai chỉ trích Taliban. Ông Manizha Bakhtari, Đại sứ tại Áo, thường xuyên đăng tải những cáo buộc Taliban vi phạm nhân quyền trên trang Twitter, trong khi đại diện tại Trung Quốc Javid Ahmad Qaem kêu gọi đề phòng trước những cam kết của Taliban về các nhóm cực đoan.
Những người khác thì ít xuất hiện, chỉ hy vọng quốc gia sở tại nơi họ công tác sẽ không vội vàng công nhận chính phủ của Taliban và đẩy họ vào rủi ro.
Một số nhà ngoại giao Afghanistan cho biết họ sẽ theo dõi chặt chẽ cuộc họp thường niên của Đại hội đồng Liên hợp quốc, bắt đầu ngày 21/9 tới, để xem ai sẽ là gương mặt ngồi vào vị trí của Afghanistan.
Sự công nhận đại diện ngoại giao một quốc gia của Liên hợp quốc (LHQ) có ý nghĩa quan trọng với một chính phủ, trong khi lúc này vẫn chưa có ai chính thức tuyên bố đại diện cho Afghanistan tại Đại hội đồng LHQ. Các nhà ngoại giao cho biết bất kỳ động thái nào được coi là hợp pháp hoá Taliban có thể cho phép nhóm này thay thế các nhân viên đại sứ quán bằng đại diện của chính họ.
Theo một nhà ngoại giao cấp cao ở Tajikistan, những tuần gần đây, một số nhân viên đại sứ quán Afghanistan đã tìm cách đưa gia đình họ qua biên giới và cân nhắc chuyển sứ quán thành cơ sở dân cư để làm nơi ở cho họ. Và giống như các đồng nghiệp trên toàn cầu, họ đều không có kế hoạch trở về tổ quốc sau khi Taliban lên nắm quyền.
Một quan chức ngoại giao cấp cao của Afghanistan tại Nhật Bản cho biết: “Rõ ràng không một nhà ngoại giao Afghanistan nào ở nước ngoài muốn trở về nước. Tất cả chúng tôi quyết tâm ở lại vị trí của mình và có thể nhiều quốc gia sẽ chấp nhận chúng tôi là một phần của chính phủ lưu vong”.