Tình hình dịch bệnh COVID-19 thế giới ngày 8/10

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 8/10 (giờ Việt Nam) thế giới đã ghi nhận tổng cộng 36.473.774 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1.061.813 ca tử vong. Số bệnh nhân phục hồi là 27.455.587 người, trong khi số người đang trong tình trạng nghiêm trọng và nguy kịch là 67.615 người.

Mỹ là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong cao nhất thế giới với 7.781.705 ca nhiễm và 216.898 ca tử vong. Sau Mỹ là Ấn Độ với 6.835.655 ca nhiễm và 105.554 ca tử vong và Brazil ghi nhận số bệnh nhân vượt mức 5 triệu người và 148.304 ca tử vong.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Sierra de Yeguas, Tây Ban Nha ngày 1/10/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Tình hình dịch bệnh đặc biệt đáng quan ngại tại châu Âu khi nhiều nước tại đây ghi nhận số ca nhiễm tăng vọt. Cụ thể, Nga xác nhận 11.493 ca nhiễm mới, gần bằng số ca nhiễm mới theo ngày cao nhất ghi nhận vào thời điểm đỉnh dịch hồi tháng 5 vừa qua, trong khi nhiều nước có số ca nhiễm trong ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát trong nước như Ba Lan (4.280 ca), Slovakia (1.037 ca), Ukraine (5.397 ca), Bulgaria (437 ca), Áo (hơn 1.200 ca), Croatia (542 ca)... 

Trong bối cảnh số ca nhiễm tăng mạnh, chính phủ nhiều nước châu Âu đang cân nhắc bổ sung các biện pháp hạn chế. 

Cụ thể, Chính phủ Anh đang cân nhắc áp đặt bổ sung các biện pháp hạn chế đối với các khu vực ở phía Bắc England khi làn sóng thứ hai của dịch COVID-19 đang có chiều hướng gia tăng tại đây. Theo tờ The Sun, Thủ tướng Boris Johnson sẽ chỉ thị các quán rượu và nhà hàng tại nhiều khu vực phía Bắc England, trong đó có các thành phố Manchester, Liverpool, đóng cửa từ ngày 12/10 tới để ngăn dịch bệnh tiếp tục lây lan.

Kế hoạch trên được đưa ra sau khi Thủ hiến vùng Scotland - Nicola Sturgeon thông báo các quán rượu, nhà hàng tại miền Trung Scotland, trong đó có các thành phố lớn Glasgow và Edinburg, sẽ phải đóng cửa trong 16 ngày từ ngày 9/10. Bà Sturgeon cũng cho biết sẽ cấp thêm 40 triệu bảng Anh (52 triệu USD) để hỗ trợ những doanh nghiệp bị ảnh hưởng đại dịch. Hiện Anh ghi nhận số ca nhiễm mới COVID-19 theo ngày ở mức khoảng 14.000 ca/ngày và hàng triệu người đang sống với các quy định phòng dịch khác nhau.

Tại Italy, Bộ trưởng Y tế Roberto Speranza cho biết nước này sẽ quy định bắt buộc xét nghiệm virus SARS-CoV-2 đối với những người nhập cảnh từ Anh, Hà Lan, Bỉ và CH Séc. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Magdeburg, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Còn giới chức Đức đã cảnh báo về nguy cơ dịch COVID-19 lây lan không thể kiểm soát vào mùa Thu và mùa Đông khi số ca nhiễm mới theo ngày gia tăng một cách đáng lo ngại. Giới chức đồng thời kêu gọi người dân hợp tác và tuân thủ các biện pháp phòng tránh lây nhiễm, gồm bốn chữ AHAL (giữ khoảng cách, đảm bảo vệ sinh dịch tễ, đeo khẩu trang và đảm bảo thông gió ở các không gian kín).

Theo Viện dịch tễ Robert Koch (RKI), trong vòng 24 giờ qua, số ca nhiễm mới ở Đức đã tăng trên 4.000 ca, mức tăng cao nhất theo ngày kể từ giữa tháng 4.

Tại khu vực châu Á, tình hình vẫn diễn biến phức tạp với Indonesia ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất từ trước tới nay với 4.850 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên  320.564 ca, trong đó có 11.580 ca tử vong. Indonesia là quốc gia có số người tử vong do mắc COVID-19 cao nhất khu vực.

Tương tự, Bộ Y tế Philippines cho biết nước này đã ghi nhận thêm 2.363 ca mắc mới và 144 ca tử vong. Đây là ngày ghi nhận số ca nhiễm và tử vong cao nhất tại Philippines trong hơn 3 tuần qua. Như vậy, nước này đến nay có 331.869 ca mắc COVID-19, trong đó có 6.069 ca tử vong. Philippines hiện là nước có số ca nhiễm cao nhất khu vực Đông Nam Á.

Chú thích ảnh
Kiểm tra thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 tại một trường học ở Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, Malaysia đã bác bỏ thông tin lan truyền trên mạng xã hội rằng 13 thành viên chính phủ bị nhiễm COVID-19. Theo phóng viên TTXVN tại Malaysia, ngày 8/10, Bộ trưởng Cao cấp kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Ismail Sabri Yaakob phụ trách vấn đề an ninh nhấn mạnh hiện nay chỉ có Bộ trưởng Văn phòng chính phủ phụ trách vấn đề tôn giáo Zulkifli Mohamad Al-Bakri được xác nhận bị nhiễm bệnh. Kết quả xét nghiệm cho thấy các thành viên nội các khác đều âm tính với virus SARS-CoV-2. Những người này đã tự cách ly tại nhà sau khi tham dự cuộc họp Hồi đồng An ninh quốc gia và tiếp xúc với Bộ trưởng Zulkifli.

Trong ngày 8/10, nước này ghi nhận 375 ca nhiễm mới COVID-19, trong đó có 371 ca lây nhiễm cộng đồng. Trong ngày, Malaysia cũng ghi nhận 5 trường hợp tử vong, đưa tổng số ca tử vong vì COVID-19 lên 146, chiếm 1,01%.

Tại Trung Đông, Iran đã đóng cửa biên giới với Iraq do dịch bệnh tái bùng phát tại Iraq. Theo đó, người Iran sẽ không thể đến Iraq để thực hiện lễ hành hương Arbaeen – một nghi lễ của người Hồi giáo theo dòng Shiite, vào ngày 8/10. Giới chức Iran hối thúc những người hành hương hạn chế đến các khu vực biên giới Iran và Iraq.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tehran, Iran. Ảnh: THX/TTXVN

Còn tại Palestine, Thủ tướng Mohammed Ishtaye thông báo sẽ siết chặt các biện pháp phòng chống COVID-19 tại các vùng lãnh thổ Palestine, đồng thời kêu gọi người dân tuân thủ biện pháp giãn cách xã hội và đeo khẩu trang tại nơi công cộng cũng như nơi đông người. 

Trong khi đó, giới chức Tunisia thông báo sẽ bắt đầu áp đặt lệnh giới nghiêm từ 21h hôm trước đến 5h sáng hôm tại vùng thủ đô Tunis, bao gồm các tỉnh Tunis, Ariana, Ben Arous và Manouba. Quyết định sẽ có hiệu lực trong 15 ngày kể từ ngày 8/10.

Trước tình hình dịch bệnh đáng lo ngại trên toàn cầu, Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo đại dịch COVID-19 khiến nền kinh tế thế giới suy thoái và có thể đẩy 115 triệu người vào cảnh nghèo đói cùng cực. Con số này cao hơn mức 100 triệu người mà WB dự báo hồi tháng 8 vừa qua. Đây là sự đảo ngược những tiến bộ đạt được sau hàng thập kỷ nỗ lực giảm nghèo của thế giới. Đáng lo ngại hơn khi có tới 40% người nghèo đang phải đối mặt với cả kinh tế khó khăn lẫn xung đột vũ trang. Bên cạnh đó, tỷ lệ người nghèo cùng cực ở khu vực đô thị đang gia tăng, đe dọa các chương trình hỗ trợ hiện nay vốn được thiết kế cho người dân vùng nông thôn.

Giám đốc WB David Malpass cho rằng để đảo ngược sự thụt lùi nghiêm trọng trong nỗ lực giảm nghèo, các quốc gia cần chuẩn bị cho nền kinh tế hậu COVID-19, bằng cách đưa các nguồn vốn, lao động, kỹ năng và sự đổi mới vào trong các ngành nghề và lĩnh vực kinh tế mới. Các phản ứng chính sách cũng cần phải tương xứng với tính nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng, bao gồm việc hiện đại hóa giáo dục, học tập trực tuyến, triển khai công nghệ mới để mở rộng phạm vi các chương trình bảo trợ xã hội.

Trong khi đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Antonio Guterres kêu gọi các nước cần nhanh chóng tăng cường các nỗ lực chăm sóc y tế trên diện rộng để đối phó đại dịch COVID-19. Theo ông, thế giới cần phải rút ra những bài học đau đớn từ cuộc khủng hoảng này, một trong số đó là một nền y tế chưa được đầu tư có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới kinh tế và xã hội. Đại dịch đã khiến hơn 1 triệu người tử vong, điều đó chứng tỏ thế giới cần có hành động khẩn cấp hơn, cần có ngay sự bao phủ y tế rộng khắp.

TTK LHQ cho rằng mọi cá nhân và cộng đồng cần nhận được các dịch vụ y tế cần thiết mà không phải chịu những khó khăn tài chính quá mức, dịch vụ y tế cần được cung cấp bất chấp gánh nặng về kinh phí. Đây là một thách thức trong bối cảnh kinh tế suy thoái, song đại dịch COVID-19 đã cho thấy rằng việc kiểm soát dịch bệnh hiệu quả sẽ đem lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế.

Minh Châu (TTXVN)
Số ca nhiễm COVID-19 trong ngày tại Canada tăng cao nhất từ trước đến nay
Số ca nhiễm COVID-19 trong ngày tại Canada tăng cao nhất từ trước đến nay

Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, Canada ngày 6/10 ghi nhận 2.364 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, mức cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát ở quốc gia Bắc Mỹ này. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN