Tình hình COVID-19 tại ASEAN hết 15/4: Khu vực gần 1.000 ca tử vong, Lào giãn cách xã hội thêm 14 ngày

Theo trang thống kê worldometers.info, tính tới hết ngày 15/4, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có 22.629 người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó 959 ca tử vong. Các nước tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội, phong tỏa.

Số liệu dịch COVID-19 tại ASEAN hết ngày 15/4

Quốc gia Tổng số ca mắc Ca mắc mới Tổng số ca tử vong Ca tử vong mới Ca phục hồi
Philippines 5,453 +230 349 +14 353
Indonesia 5,136 +297 469 +10 446
Malaysia 5,072 +85 83 +1 2,647
Singapore 3,699 +447 10   652
Thailand 2,643 +30 43 +2 1,497
Việt Nam 267 +1     171
Brunei 136       108
Cambodia 122       96
Myanmar 74 +11 4   2
Lào 19       1
Timor Leste 8 +2     1
Chú thích ảnh
Công nhân may đồ bảo hộ y tế cá nhân và khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tangerang, Indonesia, ngày 7/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Tính tới 23:59’ ngày 15/4, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã có tổng cộng 22.629 ca nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1.103 trường hợp mắc bệnh mới.

Virus SARS-CoV-2 đã khiến 959 người dân ở khu vực này thiệt mạng, tăng 27 trường hợp so với một ngày trước đó. Số tử vong trong ngày tại tất cả các nước ASEAN giảm mạnh từ mức 87 ca của một ngày trước đó. Ngoài ra, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công tăng lên 5.974 trường hợp.

Trong vòng 24h qua, Philippines và Indonesia dẫn đầu khu vực cả về số ca mắc bệnh mới lẫn số ca tử vong mới. Tời thời điểm này, đây chính là hai ổ dịch nghiêm trọng nhất khu vực Đông Nam Á khi Philippines và Indonesia bỏ xa các nước khác về tổng số ca mắc và tử vong vì dịch COVID-19.

Lào giãn cách xã hội thêm 14 ngày

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Viêng Chăn, Lào ngày 23/3. Ảnh: THX/TTXVN

Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith ngày 15/4 thông báo chính phủ nước này đã quyết định kéo dài hiệu lực của Chỉ thị 06/TTg về phòng, chống dịch COVID-19, bao gồm việc gia hạn thời gian giãn cách xã hội thêm 14 ngày. Như vậy, với quyết định trên, thời gian thực hiện giãn cách xã hội tại Lào sẽ kéo dài tới ngày 3/5 tới.

Được ban hành vào ngày 29/3, Chỉ thị 06/TTg của Thủ tướng Lào có hiệu lực từ ngày 30/3 đến ngày 19/4, quy định hàng loạt biện pháp nhằm hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19, trong đó có cấm người dân không ra khỏi nhà nếu không thực sự cần thiết; đóng cửa các nhà máy, cơ sở sản xuất tập trung đông người; cho phép cán bộ, công chức làm việc tại nhà; dừng toàn bộ hoạt động tập trung đông người có nguy cơ lây nhiễm như các lễ hội truyền thống, các hoạt động tôn giáo, cưới xin, chiêu đãi...

Tính tới hết ngày 15/4, Lào ghi nhận 19 ca mắc COVID-19, trong đó có một người đã khỏi bệnh.

Thái Lan tiếp tục cấm chuyến bay đến

Chú thích ảnh
Cảnh vắng vẻ tại nhà chờ của sân bay Suvarnabhumi ở Bangkok, Thái Lan ngày 3/4. Ảnh: AFP/TTXVN

Cơ quan Hàng không dân dụng Thái Lan thông báo gia hạn lệnh cấm các chuyến bay đến nước này cho đến ngày 30/4, ngoại trừ các chuyến bay quân sự với sứ mệnh ngoại giao, các chuyến bay chở hàng, chở trang thiết bị viện trợ, y tế cũng như các chuyến bay phải hạ cánh khẩn cấp, lỗi kỹ thuật - song những người này sẽ không được xuống sân bay. Tất cả những người được phép nhập cảnh nước này sẽ phải cách ly tại các cơ sở của nhà nước trong 14 ngày. 

Hết ngày 15/4, Thái Lan đã ghi nhận thêm 30 ca mắc COVID-19 mới, đưa tổng số người mắc bệnh lên 2.643. Số ca tử vong do mắc COVID-19 tại nước này hiện là 43.

Thái Lan được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá là có một hệ thống chăm sóc sức khỏe tốt và lực lượng lớn tình nguyện viên y tế công cộng, nhờ đó gần 50% bệnh nhân COVID-19 đã bình phục. Từ khi bùng phát đại dịch COVID-19, các tình nguyện viên đã đến ít nhất 12 triệu nhà, phát hiện khoảng 600.000 người trong nhóm nhạy cảm (trẻ em và người cao tuổi) và có nguy cơ tiếp xúc với virus SARS-CoV-2.

Bộ Y tế Thái Lan khẳng định nước này sẽ có đủ giường bệnh chăm sóc tích cực (ICU) cho bệnh nhân COVID-19 khi bổ sung thêm 300 giường từ nay đến cuối tháng 5 ở vùng đô thị Bangkok. Thái Lan hiện có 10.184 máy thở và 93 phòng thí nghiệm có thể xét nghiệm virus SARS-CoV-2 trên toàn quốc, với tổng năng lực xét nghiệm 20.000 mẫu mỗi ngày. Kể từ tháng 2 đến ngày 10/4, Thái Lan đã xét nghiệm COVID-19 cho hơn 100.000 người và ông Taweesilp cho biết sẽ tăng cường xét nghiệm nhằm kiềm chế sự lây lan của virus.

Trong khi đó, Hội đồng Dược phẩm Thái Lan đã đề nghị chính phủ nước này xây dựng các kho dự trữ thuốc điều trị các bệnh mãn tính vì trong một tháng tới có thể sẽ thiếu nghiêm trọng các loại thuốc này, khi rất nhiều nhà cung cấp ở các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và châu Âu bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Indonesia tăng cường sản xuất đồ bảo hộ y tế cá nhân

Chú thích ảnh
Công nhân may đồ bảo hộ y tế cá nhân và khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tangerang, Indonesia, ngày 7/4. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 15/4, Bộ trưởng Công nghiệp Indonesia Agus Gumiwang cho biết các doanh nghiệp trong nước đang phối hợp với Hiệp hội Dệt may Indonesia và Lực lượng Phản ứng nhanh về COVID-19 để trong thời gian tới, mỗi ngày có thể sản xuất được khoảng 16.000 bộ đồ bảo hộ y tế cá nhân (PPE) theo tiêu chuẩn của WHO.

Thời gian qua, Indonesia đã thiếu hụt trầm trọng PPE. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa sự an toàn của các bác sĩ và nhân viên y tế. Nhiều bác sĩ, nhân viên y tế đã phải sử dụng các thiết bị bảo vệ không đạt tiêu chuẩn như áo mưa. 

Trước thực trạng này, Tổng thống Joko đã chỉ thị các cơ quan chức năng phải đảm bảo cung cấp đầy đủ các thiết bị y tế, vật tư y tế và PPE, đảm bảo hỗ trợ lực lượng nơi tuyến đầu chống COVID-19. Các bộ trưởng và lãnh đạo các tập đoàn cần đánh giá lại tất cả các nguồn lực hiện có của ngành công nghiệp để có phương án phù hợp. 

Đến nay, Indonesia công bố có 5.136 ca nhiễm COVID-19, với 469 người tử vong và đã có 446 trường hợp được chữa khỏi. Số ca nhiễm bệnh ở Indonesia chỉ đứng sau Philipines trong ASEAN.

Philippines có số ca nhiễm SARS-CoV-2 cao nhất ASEAN

Chú thích ảnh
Kiểm tra thân nhiệt người dân tại Manila, Philippines ngày 7/4. Ảnh: THX/TTXVN

Tới hết ngày 15/4, Philippines có 5.453 ca mắc COVID-19, cao nhất Đông Nam Á. Số người tử vong là 349, đứng thứ hai sau Indonesia.    

Ngày 15/4, Bộ Tài chính Philippines thông báo nước này và Ngân hàng Thế giới (WB) đã ký một thỏa thuận cho vay trị giá 500 triệu USD, qua đó giúp quốc gia Đông Nam Á này giải quyết các yêu cầu tài chính cấp bách để đối phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Khoản vay Chính sách Phát triển quản lý rủi ro thứ ba này, tiếp sau hai khoản vay trước đó được ký vào năm 2012 và 2015 giữa Philippines và WB, nhằm mục đích tăng cường năng lực của nước này trong công tác chuẩn bị, ứng phó và phục hồi sau các thảm họa thiên nhiên, bao gồm các trường hợp khẩn cấp y tế như cuộc khủng hoảng dịch COVID -19. 

Bộ trưởng Tài chính Philippines Carlos Sebastuez cho biết khoản vay hỗ trợ ngân sách thứ ba này được thiết kế nhằm đẩy nhanh tiến trình giải ngân trước ngày 30/4 để giúp giải quyết các yêu cầu tài chính cấp bách của chính phủ do những ảnh hưởng mà dịch COVID-19 gây ra. 

Malaysia ghi nhận số ca mắc COVID-19 hàng ngày thấp nhất

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại bệnh viện ở Damansara, Malaysia ngày 30/3. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 15/4, Malaysia đã ghi nhận thêm 85 ca mắc COVID-19, số ca ghi nhận hàng ngày thấp nhất kể từ khi Chính phủ Malaysia áp đặt các biện pháp nhằm kiềm chế sự lây lan virus vào hôm 18/3, nâng tổng số ca mắc bệnh dịch này lên 5.072 ca.

Bộ Y tế Malaysia cũng báo cáo một ca tử vong mới. Như vậy, cho đến nay, quốc gia Đông Nam Á này có 83 ca tử vong.

Không phát hiện ca lây nhiễm mới tại Campuchia

Chú thích ảnh
Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn dịch COVID-19 lây lan tại tỉnh Kandal, Campuchia ngày 5/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ Y tế Campuchia ngày 15/4 thông báo nước này không ghi nhận ca bệnh mới nào trong 24 giờ qua. 

Thông báo của bộ trên cho biết trong số các bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục sức khỏe có hai công dân Malaysia và ba người Campuchia. Tính đến nay, Campuchia đã phát hiện 122 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó 96 ca đã bình phục.

Trong khi đó, Bộ Lao động và Dạy nghề Campuchia thông báo 95% số các nhà máy và doanh nghiệp ở nước này vẫn hoạt động sản xuất bình thường trong dịp Tết Chol Chhnay Thmey từ ngày 13-16/4. Chính phủ Campuchia đã hoãn tổ chức các sự kiện đón Tết năm nay trên toàn quốc nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 trong cộng đồng, cho phép công viên chức và người lao động trong khu vực tư nhân nghỉ bù vào thời điểm thích hợp. 

Cùng ngày, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Campuchia Sar Kheng đã đề nghị chính quyền các địa phương tiếp tục áp dụng tự cách ly bắt buộc 14 ngày đối với những người từ nước ngoài về, đặc biệt là người lao động trở về từ Thái Lan (ước tính lên đến 50.000 người) để ngăn chặn sự bùng phát của dịch COVID-19. Ông Sar Kheng đã nhắc nhở quan chức các cấp không được đánh giá thấp mối đe dọa của dịch COVID-19, cho dù các trường hợp nhiễm bệnh đã giảm và hơn 60% bệnh nhân hồi phục.

Trong khi đó, tại Battambang, một trong những tỉnh vùng biên có đông người lao động Campuchia từ Thái Lan trở về, việc quản lý người lao động từ nước ngoài về được thực hiện chặt chẽ. Giám đốc Công an tỉnh Battambang Uch Sokhon cho biết các lực lượng chức năng tại địa phương đã thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp ngăn chặn nguy cơ lây lan của virus. Một số người lao động Campuchia trở về từ nước ngoài ban đầu không hợp tác với cảnh sát nhưng nay đã hiểu và hợp tác gần như 100%.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Nhân viên pháp y Thái Lan tử vong, nghi nhiễm SARS-CoV-2 từ thi thể người bệnh
Nhân viên pháp y Thái Lan tử vong, nghi nhiễm SARS-CoV-2 từ thi thể người bệnh

Một nhân viên pháp y tại Thái Lan đã tử vong sau khi bị nghi nhiễm virus SARS-CoV-2 gây dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) từ thi thể người bệnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN