Trong ngày 2/7, có 2.116 ca mắc COVID-19 ở 7 quốc gia và 57 ca tử vong ở hai quốc gia ASEAN. Ca mắc và tử vong mới vẫn cao nhất ở Indonesia – tâm dịch của Đông Nam Á, lần lượt là 1.624 và 53 ca.
Năm quốc gia còn lại cũng ghi nhận ca mắc COVID-19 trong ngày 2/7 là Philippines (294 ca), Singapore (188 ca), Thái Lan (6 ca), Malaysia (3 ca) và Myanmar (1 ca). Philippines ghi nhận thêm 4 ca tử vong trong ngày 2/7.
Indonesia có số ca mắc bệnh trong ngày cao kỷ lục
Ngày 2/7, Bộ Y tế Indonesia thông báo nước này ghi nhận 1.624 ca mắc bệnh COVID-19. Đây là ngày có số ca nhiễm cao nhất tại nước này kể từ khi dịch bệnh bùng phát đầu tháng 3.
Tính đến nay, số ca nhiễm ở Indonesia là 59.394 ca, trong đó có 2.987 ca tử vong. Indonesia là nước đứng đầu ASEAN về tổng số ca tử vong và ca mắc bệnh.
Bất chấp dịch bệnh ngày càng nghiêm trọng, Indonesia vẫn mở cửa lại hàng chục khu bảo tồn cho du khách trong và ngoài nước sau nhiều tháng đóng cửa. Bộ trưởng Môi trường và Lâm nghiệp Indonesia cho biết đã liệt kê danh sách 29 công viên quốc gia và công viên tự nhiên có thể dần mở cửa trở lại từ nay tới giữa tháng 7.
Malaysia chỉ còn 85 bệnh nhân COVID-19
Ngày 2/7, Bộ Y tế Malaysia thông báo có thêm 3 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 8.643.
Theo thông báo, hiện số ca vẫn còn dương tính với virus SARS-CoV-2 đã giảm xuống mức 85 do số ca phục hồi mới tăng nhanh hơn số ca nhiễm mới.
Cũng trong 24 giờ qua, đã có thêm 62 ca xuất viện, nâng tổng số bệnh nhân phục hồi lên 8.437, chiếm 97,6% trong tổng số ca mắc bệnh.
Singapore bảo đảm hạn chế tiếp xúc tại sân bay
Để chuẩn bị cho việc nối lại các hoạt động hàng không, sân bay Changi của Singapore mới đây đã lắp đặt bộ cảm biến và nhiều thiết bị khác nhằm bảo đảm an toàn và hạn chế tiếp xúc cho du khách.
Tại các quầy làm thủ tục tự động, các cảm biến hồng ngoại mới được lắp đặt cho phép hành khách không phải chạm trực tiếp vào màn hình điện tử khi làm thủ tục lên máy bay hay gửi hành lý. Đây là lần đầu tiên trên thế giới, công nghệ này được áp dụng tại một sân bay.
Đối với những người cần làm thủ tục tại quầy dịch vụ, lực lượng chức năng sẽ dựng các tấm nhựa acrylic để duy trì khoảng cách giữa nhân viên sân bay với hành khách.
Ngoài ra, Cơ quan Kiểm soát An ninh và Nhập cảnh Singapore đã nâng cấp các làn nhập cảnh tự động tại sân bay Changi với hệ thống sinh trắc học mới, sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt và mống mắt để xác minh danh tính, thay cho hệ thống quét vân tay truyền thống.
Do ảnh hưởng của COVID-19, sân bay Changi đã tạm thời ngừng dịch vụ của 2 trong số 4 ga hàng không tại đây.
Trong ngày 2/7, Ủy ban bầu cử (ELD) của nước này thông báo trong ngày bầu cử Quốc hội vào ngày 10/7 tới đây, bệnh nhân COVID-19 và những người đang cách ly tập trung sẽ không được đi bỏ phiếu. Quy định này nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng. Tính đến hết ngày 1/7, Singapore có khoảng 350 cử tri thuộc hai nhóm đối tượng này.
Những cử tri đang thực hiện cách ly 14 ngày tại nhà có thể đến những điểm bỏ phiếu dành riêng cho họ và trong khoảng thời gian 1 giờ. Hiện Singapore có khoảng 360 cử tri thuộc diện cách ly tại nhà. Những người cách ly tại khách sạn có thể bỏ phiếu tại phòng. Các nhân viên bầu cử sẽ đến từng phòng khách sạn để phát phiếu bầu cho cử tri.
Cử tri đi bỏ phiếu phải đứng cách nhau 1m, tạm thời bỏ khẩu trang và trình thẻ định dạng cá nhân hoặc hộ chiếu cho nhân viên bầu cử.
Ngoài ra, khung giờ bỏ phiếu đặc biệt, từ 7-8h tối, sẽ được dành riêng cho một số nhóm cử tri, bao gồm những người có chứng nhận y tế mắc bệnh về hô hấp và những người có thân nhiệt từ 37,5 độ trở lên khi đo tại các điểm bỏ phiếu vào ngày bầu cử. Việc sắp xếp này cho phép giảm tối thiểu sự tiếp xúc trong khi các cử tri này vẫn thực hiện được quyền bỏ phiếu.
Những cử tri này sẽ phải tuân thủ những quy định chặt chẽ như sử dụng phương tiện cá nhân, không được đi lại bằng phương tiện công cộng, trong trường hợp đặc biệt có thể đi taxi nhưng phải đặt từ danh sách đường dây nóng đặt xe theo quy định. Những người này trước khi đi bỏ phiếu phải gọi điện báo cho nhà chức trách và phải về nhà ngay sau khi bỏ phiếu.
Tại các điểm bỏ phiếu, công tác đảm bảo an toàn phòng dịch được siết chặt như tẩy trùng các trang thiết bị phục vụ bầu cử, bút và các bề mặt tiếp xúc sẽ được vệ sinh sau khi mỗi cử tri bỏ phiếu xong. Ngoài ra, các biện pháp giãn cách và đeo khẩu trang tiếp tục được áp dụng.
Đại dịch COVID-19 tàn phá ngành du lịch Campuchia
Sức tàn phá của đại dịch COVID-19 đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành du lịch thế giới, trong đó có Campuchia. Thống kê của Chính phủ Campuchia cho thấy tính đến tháng 5, đại dịch COVID-19 đã khiến gần 3.000 cơ sở kinh doanh du lịch và liên quan đến du lịch tại Campuchia phải đóng cửa, đẩy hơn 45.045 lao động vào cảnh mất việc làm.
Campuchia là một trong những quốc gia Đông Nam Á thực hiện nghiêm chặt hạn chế khách nước ngoài nhập cảnh để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Tuy nhiên, điều này lại kéo theo tình trạng thất nghiệp và gánh nặng nợ gia tăng đang, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế-xã hội. Hàng nghìn người mất việc làm đang phải chật vật để vượt qua khó khăn vì gánh nặng nợ nần có thể dẫn đến các vấn đề khác về xã hội.Bộ Du lịch Campuchia dự báo ngành du lịch nước này sẽ thất thu 3 tỷ USD trong năm nay.
Theo quy định về y tế của Campuchia, tất cả khách nước ngoài vào Campuchia phải có bảo hiểm y tế có giá trị không dưới 50.000 USD, giấy chứng nhận không nhiễm COVID-19 có hiệu lực trong vòng 72 tiếng và phải đặt cọc 3.000 USD. Những biện pháp này đang cản trở khách du lịch vào Campuchia.
Trước tình trạng này, giới kinh doanh du lịch đã kêu gọi chính phủ nới lỏng hạn chế đi đôi với các biện pháp phòng dịch chặt chẽ, nếu không ngành du lịch và nền kinh tế sẽ thiệt hại rất lớn. Chủ tịch Hiệp hội các Hãng Lữ hành Campuchia Chhay Sivlin đề nghị chính phủ xem xét mở cửa trở lại các dịch vụ du lịch bằng cách nới lỏng hạn chế đi lại. Theo bà Sivlin, tất cả các hình thức kinh doanh dịch vụ như quán bar, cơ sở spa và mát-xa nên được hoạt động trở lại, nếu không ngành du lịch có thể phá sản trước cả khi dịch COVID-19 chấm dứt hoàn toàn.
Theo Tổng Cục Hàng không Dân dụng Campuchia (SSCA), đầu tuần này, Chính phủ Campuchia đã xem xét lại các biện pháp y tế và phòng dịch đối với nhà đầu tư tiềm năng. Theo đó, chính phủ sẽ điều chỉnh các biện pháp cách ly và có những sắp xếp đặc biệt đối với các nhà đầu tư tiềm năng, chuyên gia kỹ thuật và tư vấn nhập cảnh vào Campuchia. Tuy nhiên, trong bối cảnh một số nước trong khu vực ASEAN đang xem xét cho phép đi lại trong phạm vi hẹp để giải cứu nền kinh tế, giới quan sát cho rằng Campuchia có thể gặp khó khăn trong việc kiểm soát khả năng bùng phát làn sóng dịch COVID-19 thứ hai.
Bộ trưởng Du lịch Campuchia Thong Khon mới đây cho biết ngành du lịch Campuchia có một số dấu hiệu tích cực kể từ tháng 5 vừa qua khi lượng khách du lịch trong nước và người nước ngoài sống ở Campuchia tăng cường đi du lịch. Trong tháng 6, hơn 450.000 lượt khách đã đến các điểm du lịch trên khắp Campuchia, cho thấy sự hồi phục của "ngành công nghiệp không khói" của Campuchia so với hồi tháng 4.
Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành châu Á-Thái Bình Dương Thoun Sinan lại cho rằng ngành du lịch Campuchia vẫn phụ thuộc nặng nề vào khách du lịch quốc tế và chỉ khách nội địa không thể “giải cứu” ngành này. Theo ông Sinan, nếu đại dịch kết thúc vào cuối năm nay, ngành du lịch Campuchia sẽ hồi phục 20% và chỉ có thể hồi phục hoàn toàn vào năm 2025.