Nhìn từ góc độ kinh doanh, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Indonesia vẫn trông chờ rất lớn vào ngành sản xuất. Trong quý I/2020, lĩnh vực này đóng góp gần 20% GDP của Indonesia. Tuy nhiên, sự phục hồi của lĩnh vực này vẫn chưa tiến triển như Chính phủ Indonesia mong đợi. Ngày 1/7, Cơ quan Thống kê quốc gia Indonesia công bố chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của quốc gia này trong tháng 6/2020 là 39,1, cao hơn mức 28,6 của tháng 5/2020. Tuy vậy, số liệu của tháng 6/2020 vẫn dưới ngưỡng 50 có nghĩa là lĩnh vực kinh doanh chưa thực sự hồi phục và vẫn đang chịu sức ép rất lớn.
Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, mặc dù chỉ số PMI của Indonesia đã được cải thiện trong tháng 6/2020, nhưng chỉ số PMI sản xuất của Indonesia vẫn trong thấp hơn so với các nước châu Á khác. Đây là bằng chứng cho thấy tốc độ phục hồi của ngành sản xuất trong nước rất chậm.
Số liệu PMI tháng 6/2020 cho thấy sự suy yếu của khu vực sản xuất của Indonesia đã phần nào giảm bớt do sự nới lỏng các hạn chế xã hội để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Với việc nới lỏng kế hoạch hạn chế xã hội quy mô lớn (PSBB), niềm tin kinh doanh của Indonesia đang được cải thiện.
Theo chuyên gia kinh tế quốc tế Bernard Aw, kết quả các cuộc khảo sát mới đây nhất tại Indonesia cho thấy, lĩnh vực sản xuất và nhu cầu tiêu dùng của người dân đã giảm mạnh và để hai lĩnh vực này hồi phục trở lại, Indonesia cần có thêm rất nhiều thời gian.
Trong tháng 5/2020, các nhà máy sản xuất tại Indonesia tiếp tục sa thải công nhân và đến đầu tháng 7/2020 nhu cầu sử dụng lao động của các nhà máy này chưa có dấu hiệu tăng trở lại. Sự giảm sút trong lĩnh vực sản xuất của Indonesia liên tục trong giai đoạn từ tháng 3-6/2020 đã khiến tất cả các hoạt động thu hẹp. Vì vậy, doanh số cũng giảm theo, đặc biệt là đối với thị trường xuất khẩu của Indonesia.
Các nhà máy ở Indonesia vẫn đang cố gắng giảm chi phí sản xuất trong bối cảnh doanh số sụt giảm. Trong đó bao gồm cả việc cắt giảm nhân công làm cho nguồn nhân lực của Indonesia bị dư thừa, tình trạng thất nghiệp gia tăng.
Việc nhập khẩu nguyên liệu thô phục vụ cho các ngành sản xuất của Indonesia cũng rất ảm đạm. Số lượng hàng hóa tồn kho gần như không giảm do nhu cầu tiêu dùng của người dân rất thấp. Bên cạnh đó, chuỗi cung ứng hàng hóa của Indonesia vẫn đang bị gián đoạn do nhân công trong lĩnh vực này vẫn đang bị ảnh hưởng của các biện pháp PSBB mặc dù mới đây Chính phủ Indonesia đã dần nới lỏng PSBB tại một số khu vực….tất cả khó khăn trên đang cản trở Inodnesia trong việc phục hồi kinh tế quốc gia.