Tình hình COVID-19 hết ngày 17/6 tại ASEAN: Indonesia đứng đầu về số ca mắc; Thái Lan 23 ngày không có ca lây nhiễm trong nước

Theo trang thống kê worldometers.info, tính tới hết ngày 17/6, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận tổng cộng 122.444 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó 3.598 người tử vong. Indonesia đã vượt Singapore về tổng ca mắc bệnh và đứng đầu ASEAN.

Trong ngày 17/6, ASEAN ghi nhận 1.746 ca mắc COVID-19 ở 5 quốc gia và 50 ca tử vong ở hai nước thành viên.

Số ca mắc trong ngày ở Indonesia vẫn cao nhất ASEAN với 1.031 ca. Philippines và Singapore ghi nhận số ca mắc trong 24 giờ qua ở mức ba con số, lần lượt là 457 và 247. Ngoài ra, Malaysia có thêm 10 ca và Việt Nam có thêm 1 ca.

Hai quốc gia ghi nhận ca tử vong trong ngày 17/6 là Indonesia và Philippines với số ca lần lượt là 45 và 5. Các nước còn lại trong ASEAN không có ca tử vong nào.

Indonesia vượt Singapore về tổng số ca mắc

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 khi xếp hàng bên ngoài bưu điện ở Manila, Philippines ngày 10/6. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 17/6, Indonesia thông báo trong 24 giờ qua, nước này có 1.031 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, nâng tổng số ca mắc COVID-19 đến nay lên 41.431 ca. Như vậy, Indonesia đã vượt Singapore (41.216 ca) trở thành nước có nhiều ca nhiễm nhất tại Đông Nam Á. 

Số người tử vong vì COVID-19 ở Indonesia cũng đứng đầu ASEAN với 2.276 ca tính tới hết ngày 17/6. Con số này cao hơn gấp đôi nước có số ca tử vong thứ hai ASEAN là Philippines với 1.108 ca.
Indonesia chứng kiến ca nhiễm bệnh tăng vọt trong những tuần gần đây khi giới chức nước này tăng xét nghiệm khi Indonesia đang bắt đầu nới lỏng giãn cách xã hội ở thủ đô Jakarta và các thành phố khác để phục hồi kinh tế.

Chú thích ảnh
Indonesia là vùng dịch nghiêm trọng nhất ASEAN. Indonesia nâng tổng số ca mắc COVID-19 đến nay lên 41.431 ca, vượt Singapore (41.216 ca) trở thành nước có nhiều ca nhiễm nhất tại Đông Nam Á. Ảnh: THX/TTXVN

Tổng thống Joko Widodo và các quan chức đã kêu gọi các bước ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ hai và cảnh báo sẽ áp đặt lại các biện pháp giãn cách xã hội để kiềm chế virus.

Các ca lây nhiễm ở Indonesia được ghi nhận ở toàn bộ 34 tỉnh trải dài trên chuỗi đảo của nước này. Theo hai nền tảng dữ liệu nguồn mở LaporCovid-19 và KawalCOVID19, số ca tử vong ở Indonesia có thể cao gấp ba lần con số chính tức.

Đông Java, nơi có thành phố Surabaya lớn thứ hai Indonesia, và Nam Sulawesi là hai điểm nóng dịch bệnh mới. 

Philippines ghi nhận 457 ca trong 24 giờ qua

Chú thích ảnh
Một địa điểm xét nghiệm nhanh COVID-19 tại Tangerang, Indonesia. Ảnh: THX/TTXVN

Trong khi đó, số ca nhiễm tại Philippines đã lên tới 27.238 ca sau khi Bộ Y tế nước này ngày 17/6 công bố có 457 ca nhiễm trong 24 giờ qua. Số ca tử vong tại nước này cũng lên tới 1.108 ca sau khi có thêm 5 ca tử vong. Số bệnh nhân phục hồi đến nay là 6.820 người. 

Dịch COVID-19 đã tác động nghiêm trọng tới ngành du lịch của Philippines, khiến lượng du khách nước ngoài đến nước này trong 4 tháng đầu năm 2020 giảm 54,01% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống 1.318.719 lượt du khách. Ngành du lịch là ngành đóng góp lớn thứ hai cho thu nhập của Philippines, chiếm tới 12,7% Tổng Sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong năm 2018.

Thái Lan ngày thứ 23 không có ca lây nhiễm trong nước

Chú thích ảnh
Người dân mua sắm tại một chợ thực phẩm ở Bangkok, Thái Lan ngày 9/6. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 17/6, Thái Lan thông báo không ghi nhận thêm ca nhiễm hay tử vong nào do dịch COVID-19, đánh dấu ngày thứ 23 liên tiếp không phát hiện ca mới nào.

Người phát ngôn Trung tâm Quản lý dịch COVID-19 của Chính phủ Thái Lan, Taweesin Wisanuyothin cho biết hiện có tổng cộng 3.135 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 58 ca tử vong và 2.996 bệnh nhân đã phục hồi. 

Ngày 17/6 cũng là ngày thứ 23 liên tiếp Thái Lan không phát hiện ca lây nhiễm trong nước. Toàn bộ các ca nhiễm gần đây đều là nhập cảnh từ nước ngoài. 

Các nhà khoa học Singapore tìm ra 5 kháng thể chống COVID-19

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Singapore ngày 10/6. Ảnh: AFP/TTXVN

Một nhóm các nhà khoa học nước này đã tìm ra 5 kháng thể có thể ngăn chặn sự lây nhiễm của virus SARS-CoV-2. Thử nghiệm trên người đối với kháng thể đầu tiên AOD01 có thể sẽ được tiến hành trong vài tháng tới.

Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Phòng vệ Singapore (DSO) cho biết kể từ tháng ba, các nhà khoa học nước này đã sàng lọc hàng trăm nghìn tế bào B, loại tế bào sản sinh ra các kháng thể chống lại các tác nhân gây bệnh từ các mẫu máu của các bệnh nhân mắc COVID-19 đã phục hồi.

Với giai đoạn nghiên cứu đã hoàn tất, công trình nghiên cứu này giờ đây đang chuyển sang giai đoạn thử nghiệm lâm sàng và sẽ được đưa vào sản xuất nếu thử nghiệm trên người thành công.

Chú thích ảnh
Công nhân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Singapore ngày 10/6. Ảnh: THX/TTXVN

Theo Tiến sỹ Conrad Chan, trưởng nhóm nghiên cứu, khi con người được tiêm kháng thể, loại kháng thể đó sẽ lan ra toàn bộ cơ thể, ngăn chặn virus lan đến phổi, tránh được tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng. Lý tưởng là các kháng thể được tiêm cho bệnh nhân sau khi họ có các triệu chứng mắc COVID-19 và trước khi bệnh trở nặng. Ngoài ra, do các kháng thể vẫn còn tồn tại trong cơ thể con người gần một tháng, nên chúng còn có tác dụng phòng bệnh. Nếu thử nghiệm lâm sàng thành công, đây có thể là giải pháp tốt cho phòng và điều trị COVID-19.

Các nhà khoa học đã sử dụng kỹ thuật sàng lọc đồng thời các tế bào B với virus sống, cho phép nhanh chóng xác định được các loại kháng thể có thể vô hiệu hóa virus. Kỹ thuật này giúp giảm bớt cả thời gian và nguồn nhân lực, có nghĩa là có thể tìm được nhiều kháng thể hơn và trở thành phương thức điều trị an toàn và hiệu quả đối với các bệnh nhân COVID-19. Kỹ thuật này được DSO phát triển với sự cộng tác với Trường Y Yong Loo Lin và Viện Khoa học Đời sống thuộc trường Đại học Quốc gia Singapore trong hơn 5 năm qua.

Hội nghị trực tuyến Đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Nga về COVID-19

Ngày 17/6, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã cùng ngoại trưởng các nước ASEAN và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov dự Hội nghị trực tuyến Đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Nga về COVID-19.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh dự hội nghị trực tuyến. Ảnh: Hoàng Việt/TTXVN

Trao đổi về tình hình dịch bệnh, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Nga chia sẻ quan ngại trước diễn biến phức tạp và lây lan nhanh chóng của đại dịch COVID-19; đồng thời thông tin về kinh nghiệm ứng phó của các nước và khu vực. Các Bộ trưởng nhất trí đẩy mạnh chia sẻ thông tin, kinh nghiệm thường xuyên, kịp thời và minh bạch, trao đổi các thông tin dịch tễ, các mô hình dự báo, hướng dẫn kỹ thuật và các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, kiểm soát, điều trị và ứng phó với COVID-19.

Các Bộ trưởng khẳng định cam kết mở rộng hợp tác nhằm tăng cường năng lực sẵn sàng, phát hiện và ứng phó với dịch bệnh phù hợp với Quy định Y tế Quốc tế (2005). Các Bộ trưởng hoan nghênh việc thành lập Quỹ ASEAN ứng phó dịch COVID-19 và kho dự trữ vật tư y tế khu vực, mong muốn Nga hỗ trợ góp phần đạt được mục tiêu chung thông qua huy động và sử dụng nguồn lực từ Quỹ Tài chính Đối tác Đối thoại ASEAN-Nga.

Đặc biệt, các Bộ trưởng nhấn mạnh cần tăng cường hợp tác để sớm sản xuất thành công vaccine và thuốc điều trị, bảo đảm các nước được tiếp cận bình đẳng với vaccine. Các Bộ trưởng nhất trí hỗ trợ, tạo điều kiện cho công dân của nhau được hồi hương nếu có nhu cầu, đồng thời phối hợp bảo đảm an toàn cho công dân và sinh viên đang sinh sống, lao động và học tập ở các bên.

Chú thích ảnh
Quang cảnh buổi Hội nghị trực tuyến. Ảnh: Hoàng Việt/TTXVN

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đánh giá cao nỗ lực của ASEAN trong ứng phó với dịch COVID-19. Nga nhấn mạnh vai trò của Liên hợp quốc và các cơ quan chức năng của Liên hợp quốc trong phối hợp hành động chung ứng phó đại dịch. Nga sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với ASEAN và phối hợp sớm tìm ra vaccine và thuốc điều trị, đồng thời hỗ trợ ASEAN nâng cao năng lực y tế cũng như mạng lưới chuyên gia y tế giữa hai bên để trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm.

Các nước cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang tập trung nỗ lực và nguồn lực chống dịch bệnh, cần duy trì trật tự khu vực dựa trên luật lệ, đảm bảo hòa bình, ổn định, an ninh và thượng tôn pháp luật. Các nước khẳng định ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực và trong các cơ chế do ASEAN dẫn dắt như EAS, ADMM+ và ARF.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh chia sẻ tình hình dịch bệnh tại Việt Nam, khẳng định nhiều ngày qua đã không ghi nhận các ca lây nhiễm trong cộng đồng; các biện pháp Chính phủ Việt Nam đã và đang triển khai đạt được những kết quả tích cực trong phòng ngừa, kiểm soát dịch bệnh. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh cho biết, Việt Nam đang triển khai tiếp cận đồng thời trên hai hướng, một mặt ngăn chặn sự lây lan của virus, mặt khác thúc đẩy khôi phục và phát triển kinh tế. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng nhấn mạnh ASEAN đã thể hiện quyết tâm chính trị ở mức cao nhất, đẩy mạnh phối hợp hành động và ứng phó chung theo tinh thần gắn kết và chủ động thích ứng của ASEAN năm 2020.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Các nhà khoa học Singapore tìm ra 5 kháng thể chống COVID-19
Các nhà khoa học Singapore tìm ra 5 kháng thể chống COVID-19

Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, một nhóm các nhà khoa học nước này đã tìm ra 5 kháng thể có thể ngăn chặn sự lây nhiễm của virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Thử nghiệm trên người đối với kháng thể đầu tiên AOD01 có thể sẽ được tiến hành trong vài tháng tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN