Theo đài RT ngày 14/11, ông Budanov đã lấy ví dụ về Nga và Nhật Bản - hai nước chưa bao giờ ký hiệp ước hòa bình toàn diện sau Thế chiến thứ hai do Nhật Bản tuyên bố chủ quyền đối với một số hòn đảo thuộc quần đảo Kuril của Nga. Ông Budanov viết trong một bài xã luận cho tạp chí NV: “Trong lịch sử, có những trường hợp các cuộc chiến cũ giữa các quốc gia chưa kết thúc một cách hợp pháp. Một ví dụ rõ ràng là Nga và Nhật Bản. Họ không ký thỏa thuận hòa bình sau năm 1945 do tranh chấp về Quần đảo phía Bắc, còn được gọi là Quần đảo Kuril ở Nga. Vấn đề lãnh thổ này hiện đã hơn 70 năm. Đây là lý do tại sao một kịch bản như vậy rất có thể xảy ra trong trường hợp của chúng tôi, vì Nga có tham vọng lãnh thổ đáng kể khi nói đến Ukraine chứ không chỉ liên quan đến Crimea”.
Đánh giá của ông Budanov được đưa ra trong bối cảnh cuộc phản công của Kiev từ mùa hè phần lớn đã kết thúc mà không đạt được chiến thắng đáng kể nào trên thực địa. Quân đội Ukraine đã gặp khó khăn khi tìm cách xuyên thủng các tuyến phòng thủ kiên cố và vượt qua các bãi mìn dày đặc, mất nhiều xe tăng và xe bọc thép do NATO cung cấp trong quá trình này. Phát biểu với tờ Economist trong tháng này, Tướng Ukraine Valery Zaluzhny, mô tả tình hình trên chiến trường là “bế tắc”.
Triển vọng về một hiệp ước hòa bình giữa Moskva và Kiev vẫn ảm đạm khi cả hai nước đều loại trừ khả năng thỏa hiệp với nhau. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và các quan chức cấp cao khác của Ukraine đã loại trừ các cuộc đàm phán, trừ khi Nga từ bỏ các vùng lãnh thổ mới giành được gần đây. Còn Nga nhiều lần nói rằng điều đó là không thể.
Crimea đã bỏ phiếu gia nhập Nga vào năm 2014. Bốn vùng lãnh thổ khác của Ukraine là Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk tự xưng, cũng như các vùng Kherson và Zaporozhye đều đã gia nhập Nga sau khi tổ chức trưng cầu dân ý về vấn đề này vào tháng 9/2022.
Hồi tháng trước, Tổng thống Vladimir Putin cho rằng mục tiêu của Nga không phải là giành được những vùng đất mới mà là để bảo vệ người dân Donbass và duy trì an ninh của chính mình. Ông nói rằng phái đoàn Ukraine đã gần ký kết hiệp ước trung lập vào tháng 3/2022, nhưng sau đó đã hủy bỏ các thỏa thuận sơ bộ.
Theo tạp chí Economist, các quan chức phương Tây cho rằng giao tranh ở Ukraine có thể tiếp tục kéo dài thêm 5 năm nữa. Đại diện của các nước phương Tây cho rằng hiện không bên nào trong cuộc xung đột sẽ nhượng bộ. Cả Nga và Ukraine đều chưa đủ khả năng tung đòn quyết định vào đối phương.
Tạp chí chỉ ra rằng trong bối cảnh xung đột, các nước phương Tây đang cố tăng cường sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự. Tạp chí cho biết thêm rằng bất chấp những nỗ lực này, năm 2025, Mỹ có thể sẽ không sản xuất được khối lượng đạn pháo tương đương với mức sản lượng của Nga trong năm 2024.