Theo The Korea Times và Yonhap, các chuyên gia cho rằng động thái cắt đứt các đường dây liên lạc có thể là một hình thức phản đối Hàn Quốc thực hiện các cuộc tập trận gần đây và chỉ trích Triều Tiên về quyền con người.
Đây cũng có thể là giai đoạn Triều Tiên chuẩn bị thực hiện một số động thái khác, nhưng vẫn chưa chắc chắn hình thức mà Triều Tiên có thể sử dụng.
Cụ thể, theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, Triều Tiên đã không trả lời hai cuộc gọi đường dây nóng theo lịch vào sáng và buổi chiều các ngày, kéo dài sự im lặng sang ngày thứ 5 tính tới 11/4.
Triều Tiên và Hàn Quốc thường có các cuộc gọi hai lần một ngày vào lúc 9 giờ sáng và 4 giờ chiều thông qua các đường dây nóng quân sự được thiết lập ở khu vực biên giới.
Triều Tiên cũng không trả lời các cuộc gọi của Hàn Quốc thông qua đường dây nóng liên lạc liên Triều vào ngày 7/4. Đường dây nóng của văn phòng liên lạc không hoạt động vào cuối tuần.
Trước đây, Triều Tiên đã nhiều lần không trả lời các cuộc gọi hàng ngày do các vấn đề kỹ thuật. Tuy nhiên, lần này, các chuyên gia suy đoán rằng Triều Tiên đang cố tình bỏ qua các cuộc gọi vì cả đường dây liên lạc quân sự và liên lạc đều không phản hồi đồng thời.
Do đó, việc Triều Tiên chủ ý từ chối trả lời các cuộc gọi được coi là một hình thức phản đối cuộc tập trận chung của Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản cũng như đáp trả vụ Hàn Quốc chỉ trích một số điều kiện nhân quyền ở Triều Tiên.
Vào ngày 9/4, Uriminzokkiri, một tờ báo của Triều Tiên, đã bình luận rằng các cuộc tập trận chung Hàn Quốc - Mỹ gần đây là “một canh bạc quân sự rủi ro không có khả năng chiến thắng”. Tờ báo nhắc tới cuộc tập trận đổ bộ Ssangyong (Song Long) và một cuộc tập trận không quân chung có sự tham gia của máy bay ném bom B-52H của Mỹ. Tờ báo này cũng chỉ trích cuộc tập trận chống tàu ngầm ba bên giữa Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản.
Trước đó, vào ngày 31/3, chính phủ Hàn Quốc lần đầu tiên tiết lộ “Báo cáo Nhân quyền Triều Tiên năm 2023” cho công chúng, trong đó đề cập tới tình hình nhân quyền ở Triều Tiên.
Trở lại với việc duy trì đường dây nóng liên Triều, ngày 9/6/2020, Triều Tiên từng cắt mọi đường dây liên lạc với Hàn Quốc sau khi tố cáo các nhà hoạt động Hàn Quốc rải truyền đơn chống Triều Tiên qua biên giới. Triều Tiên đã cho nổ tung một văn phòng liên lạc chung ở Kaesong thuộc nước này chỉ 7 ngày sau đó.
Bà Park Won-gon, Giáo sư nghiên cứu về Triều Tiên tại Đại học Nữ sinh Ewha, nhận định: “Vào năm 2020, Triều Tiên đã nói khá rõ ràng về lý do khiến họ tức giận và bà Kim Yo-jong (em gái của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un) đã giải thích chi tiết về bối cảnh đó. Nhưng lần này, Triều Tiên vẫn chưa nói rõ điều gì đã khiến nước này cắt đường dây nóng, mặc dù chúng ta có thể cho rằng đó là do cuộc tập trận chung gần đây giữa Hàn Quốc với Mỹ và việc nhắc đi nhắc lại về vấn đề nhân quyền của Triều Tiên”.
Bà Park Park Won-gon cho rằng theo như trước đây, Triều Tiên có thể thực hiện một hành động mới, nhưng có thể sẽ không phải là một vụ thử hạt nhân.
Trước đó một ngày, Triều Tiên tuyên bố đã thử nghiệm Haeil-2, một loại tàu ngầm không người lái mới, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA nói rõ: “Cuộc thử nghiệm đã chứng minh độ tin cậy hoàn hảo của hệ thống vũ khí chiến lược mới dưới nước và khả năng tấn công của loại vũ khí này”.
Ngày 28/3, Triều Tiên công bố các bức ảnh chụp đầu đạn hạt nhân Hwasan-31, đồng thời khẳng định có thể lắp chúng trên các phương tiện lặn.
Mới đây nhất, ngày 11/4, KCNA cho biết Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã chủ trì một cuộc họp quan trọng ngày 10/4 của Đảng Lao động Triều Tiên và kêu gọi tăng cường khả năng răn đe chiến tranh của nước này một cách thực tế và chủ động hơn. Ông nhấn mạnh những vấn đề nguyên tắc nảy sinh trong việc không ngừng nghiên cứu, thực hiện các biện pháp quân sự để từng bước cập nhật, hoàn thiện khả năng tác chiến của quân đội.