Hai đội tuyển bóng bàn nữ của Hàn Quốc và Triều Tiên chụp ảnh chung. Ảnh: Washington Post |
ITTF cho biết các đội tuyển bóng bàn nữ của Triều Tiên và Hàn Quốc đã có một giải đấu thành công và dự kiến đối mặt nhau tại vòng Tứ kết. Tuy nhiên, hai đội tuyển ngày 3/5 đã quyết định không đấu với nhau mà thay vào đó họ hợp nhất thành một đội tuyển để tiến vào vòng Bán kết gặp đội tuyển Nhật Bản trong ngày 4/5. Đây là một quyết định thỏa hiệp giữa 3 bên gồm Hàn Quốc, Triều Tiên và ITTF. Theo nguồn tin trên, ITTF ủng hộ quyết định này của hai miền Triều Tiên. Phát biểu tại một cuộc họp báo, Chủ tịch ITTFThomas Weikert không giấu được vẻ vui mừng.
Ông nói: “Có đôi chút mạo hiểm vì quyết định này không 100% đúng luật. Tuy nhiên, tất cả chúng tôi đề cảm thấy hạnh phúc vì chúng ta lại có thêm một tín hiệu nhỏ nữa trong tiến trình tái thống nhất hai miền Triều Tiên. Chúng tôi tôn trọng luật. Song vấn đề này vượt quá phạm vi thể thao, đó là vì hòa bình. Thật ý nghĩa”. Lần cuối cùng một đội tuyển nữ thống nhất của hai miền Triều Tiên thi đấu là Giải Vô địch Bóng bàn Thế giới năm 1991 tại Chiba (Nhật Bản). Giải năm đó, đội tuyển liên Triều đã gây choáng váng khi quật ngã đương kim vô địch Trung Quốc để lên ngôi vô địch.
Đây rõ ràng là một tín hiệu khởi sắc trong quá trình Hàn Quốc và Triều Tiên hiện thực hóa các nội dung trong Tuyên bố chung Panmunjom được Tổng thống Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3 diễn ra hôm 27/4 vừa qua.
Trước đó, ngày 4/2, đội tuyển hockey (khúc côn cầu) nữ chung giữa Hàn Quốc và Triều Tiên cũng đã có buổi thi đấu đầu tiên cùng nhau dưới danh nghĩa một đội, đối đầu với đội hockey Thụy Điển.
Theo kênh truyền hình CNN, đây là trận đấu đầu tiên và là trận tập thử duy nhất của cả đội liên Triều khi đi thi đấu dưới lá cờ thống nhất tại Thế vận hội Mùa đông ở Pyeongchang (Hàn Quốc).
Người ủng hộ cầm cờ thống nhất hô vang ngoài nhà thi đấu tại Thế vận hội Mùa đông 2018. Ảnh: Yonha |
Ngày 27/4, Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3 đã kết thúc thành công với Tuyên bố chung Panmunjom mang tính lịch sử.
Bản "Tuyên bố chung Panmunjom" nêu rõ hai bên nhất trí trong năm nay sẽ biến Hiệp định đình chiến ký 7/1953 thành Hiệp ước Hòa bình; tuyên bố chấm dứt chiến tranh trong năm nay; biến Khu phi quân sự (DMZ) thành "khu vực hòa bình"; tìm kiếm các cuộc đối thoại đa phương với các nước khác như với Mỹ; nhất trí với đề xuất phi hạt nhân hóa theo từng giai đoạn; tổ chức đàm phán quân sự cấp tướng vào tháng 5/2018; sẽ tổ chức cuộc sum họp cho các gia đình ly tán trong Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 vào tháng 8/2018; cùng tham gia các sự kiện quốc tế lớn như Á vận hội 2018.
Hàn Quốc và Triều Tiên sẽ nối lại quan hệ nhân dân máu thịt và kiến tạo tương lai cùng thịnh vượng và thống nhất do người dân Bán đảo Triều Tiên làm chủ bằng cách thúc đẩy toàn diện, căn bản quan hệ liên Triều. Cải thiện và vun đắp quan hệ liên Triều là khao khát chung của toàn dân tộc Triều Tiên. Trên phương diện quốc tế, hai miền đồng ý thể hiện một tầm nhìn chung, tài năng và tình đoàn kết tham gia các sự kiện thể thao quốc tế như Á Vận hội 2018.
Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 3/5, người phát ngôn Phủ Tổng thống Hàn Quốc Kim Eui-kyom cho biết
Ủy ban thúc đẩy thực hiện Tuyên bố chung Panmunjom đang lên phương án tổ chức cuộc hội đàm quan chức cấp cao hai miền Triều Tiên vào trung tuần tháng 5 nhằm hiện thực hóa các thỏa thuận đạt được tại cuộc gặp thượng đỉnh.
Trước đó, Ủy ban thúc đẩy thực hiện Tuyên bố chung Panmunjom được thành lập trên cơ sở một tổ chức trước đây giúp chuẩn bị cho cuộc gặp lịch sử giữa nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên trong tuần trước. Đứng đầu Ủy ban này sẽ là Chánh văn phòng Phủ Tổng thống Im Jong-seok.
Trong số các ủy viên có Ngoại trưởng Kang Kyung-wha, Bộ trưởng Quốc phòng Song Yong-moo, Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia Seo hoon, Chánh văn phòng điều phối nhà nước Hong Nam-ki, Chánh Văn phòng An ninh Phủ Tổng thống Chung Eui-yong...
Về cơ cấu, Ủy ban này gồm 3 ban là Ban phát triển quan hệ liên Triều, Ban phụ trách xây dựng thể chế hòa bình và phi hạt nhân hóa, Ban thông tin truyền thông.
Xem lại thời khắc lịch sử khi hai nhà lãnh đạo Triều Tiên, Hàn Quốc gặp nhau: